Phải dạy người, trước khi dạy chữ
Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp thường xuyên Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh ra đời với sứ mệnh đón nhận bất cứ học sinh cá tính, phạm lỗi ở bất kỳ trường nào về đào tạo. Tại nơi đây đã có biết bao thế hệ học sinh cá biệt sau khi ra trường đều có ước mơ và đã thành đạt trên cả con đường công danh lẫn gia đình. Nhắc đến sự thành công của những học sinh cá biệt sau khi ra trường, nhà trường thường nhắc đến tên cô Ngô Thị Thu Hằng (Phó giám đốc Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp thường xuyên Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh) người đã có gần 26 năm kinh nghiệm giảng dạy và chủ nhiệm lớp “cá tính” đặc biệt.
Với quan niệm “giáo dục học trò là trách nhiệm của nhà giáo. Phải dạy người trước khi dạy chữ”, từ khi bắt đầu nghề dạy học, cô Hằng đã tự nguyện làm giám thị cho học sinh theo cách của riêng mình.
Cô Hằng kể, có một học trò tên Lâm mà cô ấn tượng nhất, học trò này vô cùng ngỗ nghịch, hay đánh nhau, trầm tính, đánh bạn, coi thường thầy cô và bắt nạt mẹ mình. Khi nhận Lâm vào lớp chủ nhiệm cô cũng nhận ra rằng học sinh này để “đào tạo” lại thì quả thật rất là khó khăn và cần phải kiên trì.
Cô tìm hiểu hoàn cảnh của Lâm rồi nhận ra rằng do mặc cảm gia đình, thiếu sự quan tâm chăm sóc. Ngỗ ngược, phá phách, muốn người khác nể sợ, sống như bụi đời là những bột phát của Lâm để chống lại cảm giác đó. Cô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Lâm, bù đắp phần nào sự thiếu hụt. Cô động viên tinh thần, giúp Lâm đi học đều hơn, không còn trốn học chơi bời quán xá. Cô giao việc quản lớp, vẽ báo tường… để tạo cơ hội cho Lâm làm việc tốt..
Trước ngày Lâm thi tốt nghiệp, cô nhắn tin, động viên Lâm đi thi, theo Lâm đến tận phòng thi như là cha, là mẹ. Năm học trôi qua, tính khí của Lâm đã dần thay đổi và đặc biệt Lâm không hề gây ra một cuộc ẩu đả nào, bởi bản thân Lâm cũng sợ làm cô buồn.
Đưa công nghệ 4.0 vào phương pháp giảng dạy
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Đảm phòng Quản trị - trường ĐH Sao Đỏ, học sinh lớp 12B (niên khóa 2002 – 2005) do cô Hằng chủ nhiệm chia sẻ:“Đối với cá nhân tôi có đôi chút mặc cảm, nhút nhát sau khi được cắp sách tới trường nhưng bằng sự tận tâm của nghề giáo, cô Hằng đã chia sẻ kỹ năng nghề, kỹ năng cuộc sống trong những buổi học và sinh hoạt lớp khiến tôi có niềm tin vào một tương lai tươi sáng”.
“Cô luôn lắng nghe, nắm bắt nhanh tính cách của từng người để dành sự quan tâm, chia sẻ tới từng thành viên lớp đặc biệt, các thành viên cá biệt để có sự điều chỉnh uốn nắn kịp thời. Có cô chủ nhiệm lớp chúng tôi tiến bộ cả về mặt kiến thức và đạo đức, trong lớp đoàn kết và là chi đoàn vững mạnh cả trong học tập cũng như văn hóa văn nghệ. Nếu được chọn lại giáo viên chủ nhiệm lần nữa thì chắc chắn chúng tôi vẫn lựa chọn cô”, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Đảm chia sẻ thêm.
Cô Hằng chia sẻ về phương pháp dạy học thời buổi công nghệ hiện nay: “Đứng trước thực tế hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ công nghệ 4.0, với bất kỳ giáo viên nào cũng là một thách thức không hề nhỏ. Nếu như trước đây học trò chỉ có thể học tập khi đến lớp, đến trường và được các thầy cô trực tiếp truyền đạt. Thì nay các trò có rất nhiều kênh thông tin để học tập và trải nghiệm và cũng có thể làm hư các em. Vì vậy, nếu mỗi thầy cô giáo không tự tìm tòi học hỏi để kịp thời vận dụng những kiến thức mới thì kiến thức của thầy cô sẽ không còn tính thuyết phục học trò. Chưa nói đến việc rất nhiều học sinh hiện nay có khả năng tự học và sáng tạo có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn cả từ bài giảng của thầy cô. Vì vậy chủ trương giảng dạy của tôi hiện nay đó là: Luôn lấy người học là chủ thể của quá trình đào tạo. Nội dung chương trình là bất biến, nhưng giáo trình giảng dạy và kiến thức bổ trợ lại phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật để học sinh tiếp cận được nhiều nhất kiến thức mà các em cần có. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, thầy cô cũng luôn trau dồi kỹ năng sống cho học sinh để các em luôn cảm thấy tự tin vào bản thân ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường".
“Các em học sinh bây giờ thông minh lắm. Các em cũng đã lớn rồi nên có thể tự nhận ra giáo viên nào tôn trọng và dành tình cảm cho mình. Người giáo viên phải đứng trên vai trò của người mẹ, người thầy và người bạn để quan tâm và chia sẻ đối với học sinh của mình. Khi cảm thấy nể phục giáo viên thì bản thân sẽ thay đổi. Mình thương trò, trò cảm nhận được tấm lòng của mình, rồi tất cả sẽ tốt lên thôi” – cô Hằng nói.