Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý chất lượng

Chức năng và nhiệm vụ của Cục Quản lý chất lượng được quy định tại Quyết định số 549/QĐ-BGDĐT ngày 03/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý chất lượngđược trích dẫn như sau:

I. Vị trí và chức năng

Cục Quản lý chất lượng là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; thi và đánh giá chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý việc thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực công tác được giao theo quy định.

Cục Quản lý chất lượng có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác theo quy định của pháp luật.

2. Tham mưu hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng báo cáo thường xuyên, đột xuất theo quy định hoặc yêu cầu của các cơ quan trung ương, bộ, ngành và theo phân công của Bộ trưởng về nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị. Chủ động rà soát, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề bất cập trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị.

4. Về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục

a) Hướng dẫn, theo dõi, đánh giá về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của pháp luật; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện dịch vụ công về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục;

b) Tổ chức thẩm định hồ sơ cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Hướng dẫn, theo dõi, đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên; sát hạch kiểm định viên, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên; theo dõi hoạt động của kiểm định viên;

c) Tổ chức thẩm định hồ sơ, công nhận hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Công khai danh sách các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục;

d) Phối hợp xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục, chuẩn chương trình đào tạo, tham gia kiểm tra, đánh giá theo Khung trình độ quốc gia Việt nam;

đ) Tham mưu, theo dõi việc xếp hạng đối với cơ sở giáo dục đại học theo bảng xếp hạng trong nước, quốc tế.

5. Về công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục

a) Xây dựng quy chế thi và hướng dẫn thực hiện quy chế thi trong tổ chức các kỳ thi, bao gồm: Thi tốt nghiệp trung học phổ thông; thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia các môn văn hóa dành cho học sinh phổ thông; thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài; thi cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin. Theo dõi, đánh giá việc thực hiện quy chế thi trong tổ chức các kỳ thi của các cơ sở giáo dục. Tập huấn các đội tuyển quốc gia và tổ chức các đoàn dự thi Olympic khu vực, quốc tế hằng năm;

b) Xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm; tổ chức ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia các môn văn hóa dành cho học sinh phổ thông;

c) Tổ chức thực hiện các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia, quốc tế;

d) Tập huấn nghiệp vụ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và nghiệp vụ tổ chức thi, đánh giá chất lượng giáo dục;

đ) Thực hiện các dịch vụ công về: Xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi thi; tổ chức thi và đánh giá chất lượng giáo dục; tổ chức thi, đánh giá năng lực chuyên biệt cho các cơ sở giáo dục trong nước có nhu cầu; khai thác sử dụng kết quả thi, đánh giá chất lượng giáo dục vào việc nâng cao chất lượng giáo dục cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

e) Đầu mối tham mưu về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận các cuộc thi, kỳ thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lí, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học.

6. Về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ

a) Quản lý, hướng dẫn việc quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Tham mưu về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế; quy định và thực hiện dịch vụ công về công nhận và xác thực văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam;

c) Quản lý việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam; tham mưu ban hành quy định về việc công nhận các cấp độ của chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

d) Thực hiện dịch vụ công về văn bằng, chứng chỉ.

7. Quản lý, theo dõi việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục trong phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên môi trường mạng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chủ động truyền thông, nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, quy định của ngành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị.

9. Tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành liên quan chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị; trình Bộ trưởng quyết định thành lập và cử công chức tham gia các ban chỉ đạo, ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, chương trình, đề án, tổ tư vấn, tổ công tác do đơn vị làm đầu mối theo dõi và thực hiện.

10. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, nghiên cứu, sử dụng sản phẩm của đề án, dự án, chương trình liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị theo phân công.

11. Chủ trì hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện công tác quản lý, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động và công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện Quy chế làm việc, Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và quản lý hồ sơ, tài liệu của đơn vị và nộp lưu trữ theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

In trang