Chức năng, nhiệm vụ của Vụ Giáo dục Đại học

Chức năng và nhiệm vụ của Vụ Giáo dục Đại học được quy định tại Quyết định số 552/QĐ-BGDĐT ngày 03/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Giáo dục Đại họcđược trích dẫn như sau:

I. Vị trí và chức năng

Vụ Giáo dục Đại học là đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm trong phạm vi hoạt động đào tạo (ngành và chương trình đào tạo, giáo trình và tài liệu giảng dạy, tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng); bao gồm cả hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác theo quy định của pháp luật.

2. Tham mưu hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng báo cáo thường xuyên, đột xuất theo quy định hoặc yêu cầu của các cơ quan trung ương, bộ, ngành và theo phân công của Bộ trưởng về nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị. Chủ động rà soát, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề bất cập trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị.

4. Về chiến lược, quy hoạch và quản lý các cơ sở giáo dục

a) Tham mưu xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chiến lược, chương trình, đề án và kế hoạch phát triển giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội;

b) Tham mưu xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên;

c) Tham mưu thẩm định các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở giáo dục.

5. Về chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy

a) Tham mưu xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung trình độ quốc gia, các quy định về: Danh mục thống kê ngành đào tạo; điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành, đăng ký và đình chỉ hoạt động ngành đào tạo; chuẩn chương trình đào tạo, việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy;

b) Tham mưu quyết định việc mở ngành, hoạt động và đình chỉ hoạt động ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng; tổ chức xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành đào tạo; tổ chức xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình dùng chung cho các môn học bắt buộc, bồi dưỡng giảng viên các môn lý luận chính trị theo quy định.

6. Về công tác tuyển sinh và đào tạo

a) Tham mưu xây dựng, hướng dẫn việc thực hiện quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy chế tuyển sinh (cho cả đối tượng cử tuyển và học sinh dự bị đại học chuyển tiếp vào đại học), quy chế đào tạo, quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài;

b) Tham mưu xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc theo các đề án đào tạo nhân lực do cấp có thẩm quyền phê duyệt; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo theo quy định; quản lý hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung phục vụ tuyển sinh đại học và cao đẳng;

c) Chủ trì theo dõi việc thực hiện các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục; tổ chức thẩm định luận án tiến sĩ theo quy định.

7. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục trên môi trường mạng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; chủ động truyền thông, nắm bắt thông tin về các chủ trương, chính sách, quy định của ngành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị.

8. Tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của tổ chức phối hợp liên ngành liên quan chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị; trình Bộ trưởng quyết định thành lập và cử công chức tham gia các ban chỉ đạo, ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, chương trình, đề án, tổ tư vấn, tổ công tác do đơn vị làm đầu mối theo dõi và thực hiện.

9. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, nghiên cứu, sử dụng sản phẩm của đề án, dự án, chương trình liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị theo phân công.

10. Chủ trì hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp công dân, thanh tra, kiểm tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện công tác quản lý, đánh giá, xếp loại công chức và công tác thi đua, khen thưởng của đơn vị theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện Quy chế làm việc, Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và quản lý hồ sơ, tài liệu của đơn vị và nộp lưu trữ theo quy định của pháp luật.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo

In trang