Hội thảo “Nha bình dân học vụ 75 năm một chặng đường”

Ngày 29/10, Hội cựu giáo chức cơ quan Bộ Giáo dục và Đạo (GDĐT) tổ chức hội thảo với chủ đề “Nha Bình dân học vụ 75 năm một chặng đường”.

Tham luận của các đại biểu đã chỉ ra suốt thời gian dài 75 năm, trong hòa bình cũng như chiến tranh, nhân dân ta đã kiên trì tiến hành công cuộc chống nạn mù chữ, phát triển một nền giáo dục đại chúng cho tất cả mọi người. Hoạt động của Nha Bình dân học vụ trong qua trình xóa mù chữ, diệt giặc dốt đã để lại bài học vô cùng quý báu trong xây dựng xã hội học tập suốt đời hiện nay.

Quang cảnh Hội thảo

Cùng với nhiệm vụ phổ cập giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi với nhiều hình thức và phương thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Tạo nên sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi người.

Hiện nay, cả nước đã có mạng lưới hơn 700 trung tâm giáo dục thường xuyên; hệ thống Hội khuyến học đã phủ kín từ cấp tỉnh đến cấp xã với trên 17 triệu hội viên là các cựu giáo viên, các nhà hoạt động chính trị, xã hội quan tâm thúc đẩy sự nghiệp học tập cho mọi lứa tuổi. Cả nước có hơn 8 triệu gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, gần 40.000 dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, hơn 62.000 “Cộng đồng học tập” cấp thôn bản, tổ dân phố và 27.500 tổ chức nằm trên địa bàn hành chính cấp xã, do cấp xã quản lý đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Từ chỗ 95% dân số nước ta mù chữ vào năm 1945, đến nay, 97,35% dân số trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ, tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng lên 92,56%; 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. Hằng năm, có khoảng 18 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng nhằm duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ. Giáo dục của Việt Nam được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT một lần nữa khẳng định, những tham luận của các đại biểu là nguồn tư liệu quý giá để những người làm quản lý giáo dục hiện nay tham khảo và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ. Đồng thời, mong muốn Hội Cựu giáo chức cơ quan Bộ GDĐT nói riêng, Hội Cựu giáo chức Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục nhân rộng tinh thần bình dân học vụ trong xây dựng xã hội học tập thời gian tới đây.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

In trang