Kiểm định chất lượng - khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục
Báo cáo đoàn công tác của Bộ GDĐT, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường cho biết, công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được xác định là một khâu then chốt để nâng cao chất lượng của mỗi nhà trường, mở rộng ra là chất lượng của toàn ngành giáo dục địa phương. Nghị quyết đại hội Đảng các cấp của Hòa Bình đều đề ra chỉ tiêu cụ thể về số lượng trường được kiểm định và công nhận đạt chuẩn. Lãnh đạo UBND địa phương dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác này; chính quyền các cấp tạo cơ chế và ưu tiên đầu tư nguồn lực để các nhà trường đạt mục tiêu đã đề ra.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (tỉnh Hòa Bình)
Trong tổng số 520 cơ sở giáo dục từ bậc Mầm non đến phổ thông của Hòa Bình, hiện 100% đã hoàn thành tự đánh giá; 132 cơ sở đã đánh giá ngoài, trong đó 107 trường đạt tiêu chuẩn đánh giá mức độ 2; 25 trường đạt mức độ 3. Tính đến tháng 12/2020, có 107 trường mầm non và phổ thông của Hòa Bình được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 25 trường đạt mức độ 2.
“Quá trình thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã giúp các nhà trường xác định rõ được điểm mạnh, điểm yếu trong công tác giáo dục đào tạo, từ đó có giải pháp, kế hoạch phù hợp để nâng cao chất lượng. Thực tế, chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường nói riêng và ngành giáo dục Hòa Bình nói chung khi triển khai các hoạt động này đã có sự cải tiến rõ rệt”, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình cho hay.
Dẫn chứng cho những hiệu quả tích cực mà công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã mang lại cho ngành giáo dục Hòa Bình, lãnh đạo Sở GDĐT cho biết, tỷ lệ phòng học kiên cố đã tăng đáng kể (hiện đạt mức 84,6%); cơ sở vật chất trường lớp khang trang, to đẹp hơn; trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư để đáp ứng yêu cầu dạy học và từng bước nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp, theo từng năm đều có sự tăng lên. Số lượng, cơ cấu giáo viên đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục từng bước được đảm bảo. Các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được đề ra trong Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục các cấp học (Thông tư 17, 18, 19 năm 2018) đã thúc đẩy mỗi nhà trường, từng thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo trong dạy học và quản trị nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, việc Bộ GDĐT ban hành chùm Thông tư (số 17, 18, 19) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi tiến hành các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm học. Việc tích hợp 2 hoạt động này giúp hạn chế việc phát sinh, chồng chéo về hồ sơ, bớt tốn kém cho đơn vị thực hiện; đồng thời, cơ quan quản lý cũng nắm bắt, tư vấn, điều chỉnh và chỉ đạo kịp thời các nhà trường trong quá trình thực hiện.
Báo cáo với đoàn công tác Bộ GDĐT, lãnh đạo 2 trường tiểu học và THCS mà đoàn tới thăm (trường THCS thị trấn Cao Phong - huyện Cao Phong, trường Tiểu học Lê Văn Tám - TP Hoà Bình), cũng khẳng định: công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất... Người hưởng lợi lớn nhất từ các hoạt động này chính là học sinh.
“Công tác kiểm định chất lượng đã làm thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn ngành, từ đội ngũ cán bộ quản lý đến giáo viên; từ phòng GDĐT đến các đơn vị trường học. Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng thay đổi, từ đó quan tâm đầu tư hơn cho giáo dục được tốt thêm. Các trường được đánh giá ngoài, công nhận đạt chuẩn cũng thực hiện xã hội hóa tốt hơn, nhận được sự ghi nhận, đồng thuận, ủng hộ cao từ phía phụ huynh học sinh, xã hội”, Trưởng phòng Giáo dục TP Hòa Bình - Lê Văn Công nói .
Hình thành văn hóa chất lượng trong mỗi nhà trường
Qua thực tế kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục và nghe báo cáo của tổng quan của Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh đánh giá cao công tác triển khai kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương này.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng đề nghị các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT của Hòa Bình tiếp tục tăng cường tự đánh giá và đánh giá ngoài để đạt được mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, sau khi được đánh giá ngoài và công nhận chất lượng, nhà trường cần chú trọng duy trì và cải tiến chất lượng. Việc thực hiện kế hoạch cải tiến sau khi đánh giá ngoài phải có sự giám sát nghiêm túc, chặt chẽ. “Kiểm định không phải là trả bài mà quan trọng hơn là để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục trong các năm tiếp theo”, Cục trưởng Mai Văn Trinh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình
Nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích thiết thực mà công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mang lại cho mỗi nhà trường, Thứ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu ngành giáo dục Hòa Bình nói chung và từng cơ sở giáo dục, từng cán bộ, giáo viên nói riêng tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức triển khai thực hiện các hoạt động này.
Theo đó, mỗi nhà trường cần xây dựng tầm nhìn phát triển và kế hoạch đạt chuẩn kiểm định với chiến lược dài hơn; từ đó xác định lộ trình và giải pháp thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Từ kế hoạch chung của nhà trường, căn cứ vào vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên xây dựng kế hoạch riêng và chung tay thực hiện mục tiêu mà cơ sở giáo dục đã đề ra.
“Kiểm định chất lượng phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà trường”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn và cho rằng, các trường học cần hướng tới việc xây dựng và hình thành văn hóa chất lượng. Theo đó, mỗi cá nhân trong nhà trường, từ bác bảo vệ, cô lao công đến mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh khi thực hiện công việc đều phải hướng tới việc đảm bảo chất lượng. Giáo dục như thế mới hiệu quả, phát triển.
Trong kiểm định chất lượng, Thứ trưởng lưu ý địa phương chú trọng việc đánh giá ngoài để đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch, tạo niềm tin trong nhân dân. Các nhà trường cũng cần nâng cao năng lực tự đánh giá; tăng số lượng trường đánh giá ngoài. Việc này đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ và đầu tư nguồn lực xứng đáng.
“Để một trường học trở nên to đẹp, khang trang, hiện đại hơn, thì cần một dự án đầu tư xứng đáng của địa phương. Nhưng để tạo được uy tín và thương hiệu cho trường học thì cần nhiều năm mới làm được. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất làm nên uy tín của nhà trường chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói và đề nghị lãnh đạo Sở GDĐT Hòa Bình đặc biệt chú trọng khâu phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ khi triển khai công tác kiểm định giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Việc đổi mới công tác quản trị trường học, tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, văn minh, để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy được vai trò, sáng tạo, cũng là yêu cầu, tiêu chuẩn để công nhận chất lượng mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý đối với ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình.
Năm 2018, Bộ GDĐT ban hành 03 Thông tư số 17, 18, 19 Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, tiểu học, THCS-THPT.
Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm xác định các trường đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường tiểu học; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Hoạt động công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường tiểu học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học được thực hiện theo các bước:
1. Tự đánh giá.
2. Đánh giá ngoài.
3. Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiêu chuẩn đánh giá trường học gồm các vấn đề liên quan đến: Tổ chức và quản lý nhà trường; Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục;
Trong các Thông tư này, hoạt động kiểm định chất lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia có sự liên thông, gắn kết chặt chẽ. Theo đó, một điều kiện quan trọng để cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn quốc gia là phải có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên, tức trường đã được công nhận kiểm định chất lượng.
|