Đón tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có các đồng chí: Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP; Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cùng đại diện lãnh đạo tất cả các sở, ban ngành của thành phố.
"Nếu TPHCM có cơ chế đột phá, tăng trưởng kinh tế sẽ không chỉ là 12%"
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ TPHCM. Sắp tới nhiều nội dung thực hiện trên phạm vi toàn quốc, ngành Giáo dục sẽ thí điểm và làm thật đậm nét tại TPHCM. Suy cho cùng, mọi việc chúng ta làm đều nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục tốt nhất cho thành phố, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trăn trở: “Đã là hội nhập cái gì làm được phải làm ngay, dạy thêm - học thêm bắt buộc phải bỏ ngay. Tại sao các trường quốc tế không dạy thêm - học thêm nhưng sản phẩm ra trường vẫn tốt, học phí vẫn thu được rất cao? Đó là do cách làm tốt của họ. Nếu TPHCM có cơ chế đột phá, tôi tin tăng trưởng kinh tế của TP HCM không chỉ là 12%”.
Theo ông Đinh La Thăng, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 giải pháp chủ lực của thành phố trong việc biến đô thị này trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và kinh tế của cả nước. Vì vậy, giáo dục của TPHCM phải đi đầu và hội nhập. Để hội nhập được cần phải có đề án giáo dục tổng thể, cơ chế hỗ trợ đặc thù dành cho thành phố.
Bí thư Thành ủy lưu ý những gì liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình dạy, phương pháp dạy cần phải được căn cứ vào khoa học giáo dục, bên cạnh ý chí chính trị của từng cá nhân.
Bí thư Đinh La Thăng đồng thời bày tỏ: "Tôi tin rằng cơ chế chính sách về giáo dục đã thành công ở TPHCM sẽ nhân rộng được trên cả nước.
Cùng đó, những gì luật quy định lỗi thời, hoặc chưa quy định, Bộ GD&ĐT nên cho thành phố chủ động thí điểm thực hiện. Chúng ta phải chấp nhận nền giáo dục theo cơ chế thị trường trong nền kinh tế thị trường”.
Đồng tình với quan điểm của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng giáo dục vẫn đang có rất nhiều vấn đề, nhưng chủ yếu vấp váp ở cơ chế, chính sách.
Bộ GD&ĐT cùng với TPHCM có buổi trao đổi hôm nay không ngoài mục đích để thống nhất, cùng nhau triển khai các nội dung, đề án phát triển giáo dục được tốt hơn.
"Tuy nhiên, muốn tạo một sự chuyển biến rõ nét, mang đậm tinh thần hội nhập, TPHCM phải có một đế án tổng thế về giáo dục đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” - Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với lãnh đạo TPHCM
TPHCM đề xuất có khung chương trình riêng, SGK riêng
TPHCM chủ động xây dựng đề án trình Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ cùng TPHCM hoàn chỉnh để làm sao khung chương trình đào tạo riêng, bộ sách giáo khoa riêng đáp ứng được yêu cầu hội nhập, gắn với thị trường lao động, với mục tiêu làm sao cho giáo dục - đào tạo Việt Nam không quá xa cách với các nền giáo dục trong khu vực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP - thẳng thắn nhìn nhận: Hiện sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa nhiều trường đại học lớn trong nước nhưng nước ngoài không công nhận bằng cấp. Thời gian tới, TPHCM sẽ làm mạnh việc chuẩn hóa chất lượng đào tạo, được quốc tế thừa nhận và hội nhập.
Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM lần thứ X nói rất rõ: Xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ của cả nước, hướng đến hội nhập. Do đó, việc xác định mục tiêu đầu tư cho giáo dục và đẩy mạnh phát triển giáo dục là mục tiêu lớn của thành phố.
Hằng năm TPHCM dành 26% trong tổng thu ngân sách chi cho giáo dục; chưa kể mỗi năm thành phố còn trích riêng từ ngân sách 2.000 tỉ đồng để đầu tư cho trường lớp. Để xây dựng đề án phát triển giáo dục theo hướng hội nhập sắp tới TPHCM sẽ đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Để làm được điều này, theo đồng chí Đinh La Thăng, Bộ GD&ĐT cần thực hiện được phân cấp, phân quyền cho các trường mạnh hơn, tránh tâm lý sợ khi phân cấp, ủy quyền; mạnh dạn cho thí điểm, giao hẳn trách nhiệm cho từng cán bộ, bộ phận, cơ sở.
“Chủ tịch UBND TPHCM sẽ chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng giáo dục nếu Bộ GD&ĐT cho thí điểm về xây dựng khung chương trình riêng, bộ SGK riêng, giảng dạy riêng bằng chương trình của mình” - Bí thư Thăng bày tỏ.
Trả lời cho vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh sự đột phá, tư duy đổi mới, đón đầu hội nhập của TPHCM.
Tuy nhiên, những gì thuộc về khung chương trình giáo dục phổ thông (có mục cho phép thực hiện theo hướng mềm dẻo, linh động), TPHCM cần dựa trên đó để linh hoạt thực hiện trong khuôn khổ và quy định.
"Khi chúng ta đặt vấn đề về nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ quyết ngay việc nào thuộc thẩm quyền của Bộ; thành phố chủ động vấn đề nào thuộc thẩm quyền thành phố, không cần phải xin phép.
Cứ xây dựng đề án, lắp ghép vào đề án tổng thể chung của ngành để thực hiện, UBND TPHCM sẽ là nơi chịu trách nhiệm về vấn đề này" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn trao đổi.
Môi trường giáo dục đang rất bình đẳng
Về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư có trọng điểm nhằm hình thành một hệ thống giáo dục đại học chất lượng, đáp ứng chuẩn thế giới, yêu cầu hội nhập, đồng chí Đinh La Thăng cho rằng Bộ GD&ĐT cần phải “mở” một cách mạnh mẽ hơn nữa sự tự chủ cho các trường.
Theo ông, xã hội hóa giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, kiện toàn hệ thống trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Người dân sẵn sàng huy động nguồn lực để đầu tư, chỉ cần mở cho họ cơ chế, con đường.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GD&ĐT chỉ đề xuất có 21 trường đại học công lập trọng điểm? Để trở thành trường trọng điểm cần đáp ứng tiêu chí gì?
Theo tôi, trường nào đáp ứng được thì cho họ làm, không nên bó buộc chỉ trong hệ thống trường công. Trọng điểm không phải để họ lấy tiền của Nhà nước mà họ xin cơ chế để thực hiện. Có rất nhiều trường tư còn hơn trường công rất nhiều sao không đưa vào cơ chế?”.
Giải đáp tâm tư của vị lãnh đạo TPHCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Môi trường giáo dục đang rất bình đẳng, không có sự phân biệt. Hiện không hề có rào cản nào giữa trường công và trường tư.
Thực tế Bộ GD&ĐT đã ‘mở” hết mọi cánh cửa tự chủ cho các trường, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý việc mở ngành đào tạo và một số ít chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, việc cởi bỏ tư duy và cách nhìn phân biệt trường công - trường tư trong đầu tư, hỗ trợ không chỉ giúp hệ thống giáo dục đại học phát triển tốt, bền vững, mà còn mang đến sự cạnh tranh bằng chất lượng giáo dục một cách công bằng. Vì thế, Bộ GD&ĐT sẽ làm triệt để, làm mạnh vấn đề này.