Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm

"Chúng ta đang đi đúng hướng, chỉ cần kiên định sẽ đến đích thành công" - Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM); kiểm tra việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) sáng 6/6.

Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bùi Văn Ga và lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT).

 

Chia sẻ của Bộ trưởng về mô hình trường học mới và Thông tư 30

 Chúng ta đang đi đúng hướng, chỉ cần kiên định chúng ta sẽ đến đích thành công. Đổi mới giáo dục, phương thức đào tạo, đánh giá là nhiệm vụ tiên quyết. Chúng ta cần phải đổi mới từ tư duy cho đến hành động. Bởi hai thành tố ấy là nền tảng quan trọng trong việc hướng đến đổi mới toàn diện nền giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tại buổi làm việc với Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dành nhiều thời gian để nói về Thông tư 30, mô hình trường học mới và phương thức giáo dục theo hướng toàn diện cho học sinh.

Bộ trưởng cho biếtBộ GD&ĐT đang rà soát để xây dựng một chuẩn giáo viên, do đó bậc Tiểu học chắc chắn cũng cần có một chuẩn mới.

Vì vậy, giáo viên cần phải được bồi dưỡng nghiệp vụ, phát huy sức mạnh năng lực tiếng Anh và công nghệ thông tin để từ đó có điều kiện tiếp cận với các nền giáo dục mới, hình thức học mới.

Nhà trường cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ giáo viên trong việc học tập, nâng cao nghiệp vụ; đặc biệt là công tác nâng cao kiến thức và khoa học giáo dục, tránh tình trạng mô đun hóa tiết dạy.

Việc đổi mới phương pháp tổ chức giảng dạy đóng vai trò hết sức quan trọng. Để tránh hình thức, nhà trường cần phải linh hoạt và sáng tạo.

“Mô hình trường học mới cũng tốt, nhưng không phải tốt trong mọi trường hợp nếu như chưa có sự đồng thuận của phụ huynh, tâm thế người học chưa sẵn sàng, giáo viên chưa chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức của sự đổi mới.

Vì vậy, khi tiến hành đổi mới phương thức, chúng ta cần phải tính toán phương thức và lộ trình thực hiện cho đầy đủ để hướng đến sự bền vững” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phân tích.

Nói thêm về Thông tư 30 Bộ trưởng cho rằng chủ trương và phương thức đánh giá học sinh là rất tốt. Việc đánh giá ấy giúp học sinh tự hoàn thiện mình, không phải đánh giá để so kè, khen thưởng.

“Chủ trương là đúng, tuy nhiên lộ trình bước đi, phương thức áp dụng vẫn cần phải rà soát và xem lại. Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát lại toàn bộ để tháo gỡ những khó khăn, áp lực cho giáo viên.

Điều chúng ta cần phải xác định với nhau chính là tránh duy ý chí trong thực hiện, phương thức triển khai, tư duy và phương thức đánh giá” - Bộ trưởng chia sẻ.  

Bộ trưởng lưu ý: Quá trình đào tạo, việc đánh giá học sinh tiểu học gắn rất chặt chẽ với phụ huynh, gia đình, Vì vậy, nhiệm vụ của ngành, nhà trường là phải làm sao để phụ huynh hiểu mà cùng tham gia.

Do đó, các trường học cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các buổi tập huấn cho giáo viên, để họ có phương thức đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thật tốt.

Mặt khác, việc giảm sĩ số lớp học, đổi mới phương thức đánh giá cần phải cố gắng bằng mọi cách theo lộ trình cụ thể. Vì nếu chúng ta chỉ quan tâm đến cơ sở vật chất, đội ngũ, phương thức thực hiện mà quên đi lộ trình thực hiện là không ổn.

 

Thi THPT quốc gia: Phải hết sức chuẩn mực và nghiêm túc

Chúng ta sẽ đổ vỡ thương hiệu nếu xảy ra tiêu cực trong kỳ thi. Xây dựng thương hiệu thì lâu nhưng phá vỡ nó thì rất dễ và nhanh. Do đó phải hết sức chuẩn mực và nghiêm túc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

 Báo cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, cô Đỗ Thị Bích Duyên - Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết:

 Hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất trước kỳ thi đã hoàn tất. Các công tác phòng cháy chữa cháy, điện nước, an ninh trường thi… đều được thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ.

 Ngoài việc phối hợpvới các lực lượng chức năng, ban ngành địa phương, trường cũng chủ động thiết kế 2 tủ đựng đề thi, bài thi; bố trí sẵn sàng 32 phòng thi (31 chính thức, 1 dự phòng được sắp xếp thành 3 dãy, đảm bảo 30 thí sinh/ phòng thi, niêm phong tất cả các phòng không tổ chức thi; phòng thi được bố trí xa khu dân cư ở, tránh nguy cơ lộ đề thi.

“Ban chỉ đạo thi của trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM đã 3 lần kiểm tra, làm việc với nhà trường trong công tác chuẩn bị và duyệt mọi kế hoạch đề xuất, công tác chuẩn bị từ phía nhà trường đưa ra” - Cô Duyên báo cáo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý nhà trường trước khi thi cần thông báo cho học sinh hiểu thật rõ về các quy chế phòng thi. Trong quá trình thi cần phải hết sức nghiêm túc, minh bạch, hạn chế, chấm dứt bằng được tiêu cực phổ biến trong các kỳ thi (phao thi, phương tiện công nghệ hỗ trợ quay cóp)… Đặc biệt, phải phát huy việc chấm thi, coi thi công tâm, phản ánh khách quan bài thi của học sinh. 

 

Những mô hình ưu việt như Trường THPT Lê Quý Đôn cần nhân rộng

Lắng nghe báo cáo từ lãnh đạo Trường THPT Lê Quý Đôn, tham quan nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao điều kiện cơ sở vật chất, phương thức tổ chức mô hình dạy học mà trường đang theo đuổi. 

Bộ trưởng đánh giá: Trong hoàn cảnh khó khăn chung của chúng ta hiện nay, các đồng chí đã linh hoạt vận dụng các điều kiện để xây dựng một mô hình giáo dục tiên tiến, hướng đến hội nhập, duy trì truyền thống hơn 143 năm của trường. Đây là điều đáng ghi nhận. Tôi mong nhà trường tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được.

Hiện nay chương trình và bộ sách giáo khoa mới của chúng ta đang chuyển từ phương thức đào tạo truyền thụ sang phương thức đào tạo phát huy năng lực của học sinh. Vì vậy, những mô hình ưu việt như Trường THPT Lê Quý Đôn - có sự chủ động, sáng tạo, tạo ra bản sắc, chuẩn quốc tế nhưng vẫn phù hợp, đúng khuôn khổ - cần nhân rộng. 

"Hiện yêu cầu hội nhập, đào tạo công dân toàn cầu đang trở thành hướng đi chủ đạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực. Vì vậy nếu xác định rõ hướng đi, trường sẽ nhanh chóng đạt chuẩn đào tạo quốc tế khi phát huy tốt hơn nữa việc hợp tác với các trường nước bạn" - Bộ trưởng gợi mở.

Tham quan cơ sở vật chất Trường THPT Lê Quý Đôn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt ấn tượng với mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường.

Bởi theo Bộ trưởng, hiện nay học sinh bị trầm cảm, áp lực, vênh tâm lý rất nhiều, có được mô hình phòng tham vấn tâm lý trong trường học sẽ giúp các em học sinh được tiếp cận với dịch vụ, được giáo viên hỗ trợ trợ tháo gỡ các vấn đề về tâm lý. Việc này là rất cần thiết.

“Đẩy mạnh xây dựng mô hình phòng tư vấn tâm lý học đường là mục tiêu chúng ta đang xây dựng, hướng đến. Tôi đánh giá cao việc Trường THPT Lê Quý Đôn có phòng tư vấn chuyên nghiệp. Đây là mô hình tốt nên tôi đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM chỉ đạo nhân rộng ra trong phạm vi toàn thành phố.” - Bộ trưởng Nhạ lưu ý.  

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng để đạt được những mục tiêu đặt ra, nhà trường cần phải tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, thúc đẩy sự chủ động học tập của lực lượng nòng cốt này.

Nâng cao trình độ, đáp ứng chuẩn mới cho giáo viên để phát triển năng lực cho học sinh là điều kiện tiên quyết, Sở, lãnh đạo nhà trường cần phải hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên nhiều hơn.

 

Không thực hiện việc nâng chất lượng theo hướng cào bằng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt ấn tượng với phương thức đầu tư có trọng điểm, không dàn trải của ngành Giáo dục TPHCM. Theo Bộ trưởng, cách làm này không chỉ tập trung được nguồn lực, phát huy thế mạnh nội tại mà còn giúp TPHCM nhanh chóng thúc đẩy giáo dục đi lên.
“Chúng ta có các tầng lớp khác nhau về giáo dục, chúng ta khuyến khích các tầng giáo dục có điều kiện tiếp cận với các chương trình tiên tiến, như thế mới thúc đẩy được sự phát triển của giáo dục TPHCM.

Chúng ta đã có phân tầng chất lượng để đầu tư, chú trọng nhóm khó khăn, không thực hiện việc nâng chất theo hướng cào bằng. Đây là hướng đi tốt, TPHCM cần tiếp tục phát huy” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

(http://giaoducthoidai.vn)