
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ; đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; cùng đại diện một số cơ quan Trung ương, lãnh đạo ĐHQG Hà Nội và các trường thành viên.
Để đáp ứng việc nghiên cứu và tạo môi trường thúc đẩy giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu Chương trình nghiên cứu Trung Quốc – ĐHQG Hà Nội tập trung vào 4 nội dung chính:
Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu có tính liên ngành cao để phục vụ yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao hiểu biết về Trung Quốc;
Xây dựng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Việt Nam có tầm nhìn và đạt trình độ quốc tế, thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia về Trung Quốc;
Tạo môi trường để tập hợp và thúc đẩy kênh giao lưu học giả trong và ngoài nước về nghiên cứu Trung Quốc, kết nối với các mạng lưới nghiên cứu trong khu vực và trên thế giới, hỗ trợ học giả Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội tiếp xúc với nghiên cứu tầm khu vực và quốc tế;
Có được những tư vấn sâu sắc cho Chính phủ Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ bình đẳng, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh, đây là một trong những chương trình nghiên cứu hết sức quan trọng mà ĐHQG Hà Nội tổ chức.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng anh em, nhu cầu hiểu biết lẫn nhau hết sức quan trọng. Việc hiểu biết lẫn nhau không chỉ tự thân hai nước mà còn đặt trong bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng chỉ ra sự cần thiết: Đây là chương trình tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia, học giả từ 2 nước và cộng đồng nghiên cứu về Trung Quốc trên tinh thần giao lưu học giả;
Thông qua các hoạt động của các học giả sẽ tham mưu, tư vấn cho chính phủ 2 nước;
Thông qua chương trình, có thể hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiên cứu có tính chất chuyên nghiệp, có độ sâu sắc hơn để phục vụ cho quan hệ Việt Nam – Trung Quốc nói riêng và trong bối cảnh toàn cầu nói chung.
Khẳng định tính ưu việt của Chương trình, Bộ trưởng nhận định: Tính liên ngành của Chương trình rất cao, có đủ ở các lĩnh vực từ văn hóa – chính trị - ngoại giao đến kinh tế - giáo dục – khoa học và công nghệ và cả những nghiên cứu hết sức gần gũi như người dân.
Chỉ ra tính thiết thực, khả thi và hiệu quả của Chương trình, Bộ trưởng cho biết: Thiết thực là các nghiên cứu đề cập đến những vấn đề 2 nước và cộng đồng cùng quan tâm.
Khả thi là những nghiên cứu phải đạt được những giá trị khoa học với mục đích tham mưu, tư vấn cho chính phủ 2 nước và gắn với GD&ĐT.
Đặc biệt hiệu quả, đó là những nghiên cứu trực tiếp vào những vấn đề cụ thể và giá trị. Các phương pháp nghiên cứu theo hướng mở, tất cả các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều có thể tham gia, phát triển Chương trình đầy đủ sâu sắc hơn.
Trước mắt, các nghiên cứu sẽ tập trung vào những vấn đề của giáo dục, Trung Quốc có rất nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quan trọng với Việt Nam, thông qua các nghiên cứu này cũng hướng đến đẩy mạnh giao lưu sinh viên, giáo viên giữa 2 quốc gia.