Dạy học trực tuyến bổ trợ cho trực tiếp
Theo báo cáo của Sở GDĐT Lạng Sơn, năm học 2020-2021, với điều kiện kiểm soát dịch Covid-19 trong từng giai đoạn, đa số trường tiểu học và THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp từ đầu năm. Riêng huyện Văn Lãng và Bắc Sơn có một số cơ sở giáo dục phải dạy học trực tuyến khoảng nửa đầu tháng 9. Từ tháng 11 với diễn biến mới của dịch, 40 trường có lớp tiểu học và THCS, THPT lại chuyển trạng thái từ trực tiếp sang online.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Đồng Bục, huyện Lộc Bình
Việc chuyển trạng thái này, theo đánh giá của lãnh đạo, giáo viên các nhà trường là không khó khăn. Lý do là từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo Sở GDĐT, các nhà trường đã rà soát điều kiện dạy học trực tuyến của giáo viên, học sinh; chủ động xây dựng kịch bản dạy học ứng phó với dịch bệnh và linh hoạt xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như bám sát hướng dẫn thực hiện CT GDPT năm 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 mà Bộ GDĐT ban hành.
Để giáo viên, học sinh làm quen việc dạy học trực tuyến và sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết, các trường học của Lạng Sơn khi đang dạy học trực tiếp vẫn tổ chức dạy học trực tuyến 1-3 buổi/tuần với các nội dung ôn tập, củng cố, hỗ trợ dạy học trực tiếp. Sở GDĐT phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh phát sóng các chuyên đề dạy học trên truyền hình và chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn học sinh tham gia học, ôn tập.
“Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tổ Khoa học tự nhiên của trường đã dạy được hơn 102 tiết trực tuyến cho học sinh. Mỗi giáo viên được yêu cầu xây dựng ít nhất 2 bài giảng điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bài dạy. Trường, Phòng, Sở đều có chương trình tập huấn để giáo viên nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cũng như ứng dụng công nghệ vào giảng dạy”, cô giáo Nông Thị Ngoại, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Bục (huyện Lộc Bình) - một trong số các cơ sở giáo dục dạy học trực tiếp từ đầu năm học của Lạng Sơn cho hay.
Làm rõ thêm sự chủ động trong công tác dạy học ứng phó với dịch Covid-19 của các cơ sở giáo dục, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng Vi Quang Trung cho biết, các nhà trường đã diễn tập dạy học trực tuyến và xử lý tình huống khi có F0. Khi có ca nhiễm thực tế phát sinh trong trường học vào đầu tháng 11, với sự chuẩn bị đó, việc ứng xử không hề bị lúng túng. Hiện học sinh 4 xã/thị trấn trên địa bàn này chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang trực tuyến. Hai tuần nữa, khi đánh giá dịch ổn định trở lại, học sinh sẽ được trở lại trường.
Việc tiêm phòng Covid-19 cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục và học sinh từ 12 đến 17 tuổi, được Lạng Sơn đẩy nhanh. Hiện toàn tỉnh đã có 26.397 trên tổng số 26.605 (chiếm 99,2%) học sinh lớp 10-12 được tiêm vắc xin. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học được tiêm là 19.376 (chiếm 92% tổng số nhà giáo, nhân viên).
Giáo viên hào hứng với chương trình GDPT mới
Chủ động, linh hoạt trong dạy học ứng phó với dịch bệnh, Lạng Sơn đồng thời tích cực triển khai các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới đối với lớp 1, 2, 6, cũng như CT GDPT 2006 đối với các lớp còn lại. Theo đó, 100% giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông được cấp tài khoản trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để bồi dưỡng qua mạng. Tính đến tháng 10/2021 tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng 3 modul đầu tiên cho toàn bộ giáo viên. Song song với chương trình bồi dưỡng trực tuyến của ETEP, Sở GDĐT Lạng Sơn còn chủ động phối hợp với trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên tổ chức tập huấn trực tiếp cho đội ngũ; tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới sinh hoạt chuyên môn để giáo viên nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của CT GDPT mới.
Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Đồng Bục, tỉnh Lạng Sơn
Được chuẩn bị chu đáo về tâm lý, kỹ năng, nên khi dạy theo chương trình mới, cô Lương Thị Ngọc, giáo viên môn Khoa học Tự nhiên khối 6 trường THCS Đồng Bục thuộc xã biên giới Đồng Bục, huyện Lộc Bình không gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, cô còn cảm thấy hứng thú khi được chủ động về kế hoạch dạy học, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá để phù hợp với đặc thù học sinh.
“Trước đây, giáo viên chỉ tập trung dạy các nội dung kiến thức trong sách giáo khoa nhưng hiện nay thầy cô được chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn. Việc dạy học không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi sách giáo khoa mà từ chương trình môn học và mục tiêu của từng bài học, giáo viên có thể lựa chọn các ngữ liệu khác gần gũi hơn với học sinh để tăng hấp dẫn và ứng dụng cho bài giảng”, cô Ngọc chia sẻ, đồng thời cho biết, sau 10 tuần dạy học chương trình mới, học sinh hứng thú và chủ động học tập, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục.
Dạy học sinh lớp 2 tại trường Tiểu học Đồng Bục, cô Lý Thị Xuân cũng cho biết, lứa học sinh đã qua một năm học theo CT GDPT 2018 mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và chủ động, tích cực học tập hơn. Đây là những phẩm chất, năng lực rất đáng quý mà các giáo viên trước đây phải mất nhiều thời gian mới hình thành, phát triển được cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số.
Đảm bảo quyền lợi tiếp cận công bằng trong giáo dục của học sinh
Ghi nhận sự chủ động, linh hoạt, tích cực của ngành giáo dục Lạng Sơn trong phòng chống dịch Covid-19 và triển khai CT GDPT, đặc biệt là CT GDPT 2018, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đánh giá cao quyết định của chính quyền và sự hi sinh của đội ngũ nhà giáo để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho học sinh. Minh chứng là ở những nơi khó khăn như đường lên đỉnh Mẫu Sơn, dù chỉ có 1 học sinh lớp 1, 3 học sinh lớp 5, và không thể vận động ra trường chính, địa phương đã bố trí điểm trường lẻ/lớp ghép để học sinh được thực hiện quyền ra lớp.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Sở GDĐT Lạng Sơn
Để làm tốt hơn các nhiệm vụ giáo dục trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ngành giáo dục Lạng Sơn tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, giáo viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới GDPT. Từng nhà giáo cần nắm chắc những khác biệt của CT GDPT 2018 so với CT GDPT hiện hành, nhất là việc chương trình mới phân cấp đến từng nhà trường/tổ chuyên môn/giáo viên khi trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường/kế hoạch bài dạy để các trường/giáo viên triển khai phù hợp với điều kiện thực tế.
Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc dạy học phải được tổ chức linh hoạt, chủ động, thích ứng với từng giai đoạn chống dịch; trong đó quan trọng số 1 là đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Song song với nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K, Thứ trưởn đề nghị tỉnh Lạng Sơn ưu tiên “phủ” nhanh 2 mũi vắc xin cho học sinh, đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục.
Việc thực hiện CT GDPT, đặc biệt là CT GDPT 2018 phải chú trọng đặc biệt đến chất lượng, bên cạnh nỗ lực hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh yêu cầu “kiên trì mục tiêu chất lượng”.
Hiện nay, Lạng Sơn này còn thiếu 1.400 giáo viên so với định mức; trình độ chuyên môn của đội ngũ cũng chưa đồng đều; cơ cấu chưa cân đối, dù được phép hợp đồng giáo viên nhưng nguồn tuyển lại thiếu…Trước thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, đáp ứng chuẩn yêu cầu đào tạo, trong đó có thể cân nhắc đưa ra cơ chế đặc thù để thu hút lao động. Tăng cường bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao chuyên môn nghề nghiệp cho giáo viên, cũng là vấn đề được Thứ trưởng yêu cầu ngành giáo dục Lạng Sơn chú trọng thực hiện.