1. Yêu cầu đánh giá kết quả hoạt động viết trong môn Ngữ văn
Với mục tiêu cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực và những tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập môn học, để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục; Chương trình giáo dục phổ thông qui định về đánh giá hoạt động viết trong môn Ngữ văn, đó là "Tập trung vào yêu cầu học sinh tạo lập các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng. Việc đánh giá kĩ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày,...".
2. Đánh giá kết quả hoạt động viết ở Tiểu học
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ở cấp tiểu học có tên là Tiếng Việt) qui định việc đánh giá hoạt động viết thông qua kĩ thuật viết và qui trình, thực hành viết:
Vì không đi vào từng lớp của cấp Tiểu học, nên Thầy phải có phần dẫn để tạo nên sự chặt chẽ và sắp xếp các ý triển khai theo từng lớp học (1,2 đến lớp 5) để bảo đảm tính khoa học. Vì gọi chung là cấp Tiểu học nhưng mỗi lớp lại có yêu cầu, mức độ khác nhau).
2.1. Kĩ thuật viết
Để thực hiện hoạt động này, Chương trình qui định đối với học sinh từ cách ngồi viết đúng tư thế cho đến cách cầm bút, viết đúng, từ đó viết thành thạo chữ viết thường, viết đúng chữ viết hoa, đặt dấu thanh đúng vị trí; viết đúng tên người, tên địa lí Việt Nam và một số tên nhân vật, tên địa lí nước ngoài đã học; viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn; trình bày bài viết sạch sẽ,...
2.2. Viết câu, đoạn văn, bài văn
Qui trình viết được qui định chặt chẽ, từ yêu cầu đơn giản, bước đầu trả lời được những câu hỏi như: Viết về ai? Viết về cái gì, việc gì? Đến việc xác định được nội dung bằng cách trả lời câu hỏi: “Viết về cái gì?”; viết nháp; dựa vào hỗ trợ của giáo viên, chỉnh sửa được lỗi dấu kết thúc câu, cách viết hoa, cách dùng từ ngữ; biết viết theo các bước: xác định nội dung viết (viết về cái gì ); hình thành một vài ý lớn; viết thành đoạn văn; chỉnh sửa lỗi (dùng từ, đặt câu, dấu câu, viết hoa) dựa vào gợi ý; biết viết theo các bước: xác định nội dung viết (viết về cái gì ); quan sát và tìm tư liệu để viết; hình thành ý chính cho đoạn, bài viết; viết đoạn, bài; chỉnh sửa (bố cục, dùng từ, đặt câu, chính tả); viết đoạn văn, bài văn thể hiện chủ đề, ý tưởng chính; phù hợp với yêu cầu về kiểu, loại văn bản; có mở đầu, triển khai, kết thúc; các câu, đoạn có mối liên kết với nhau; xác định mục đích và nội dung viết (viết để làm gì, về cái gì); quan sát và tìm tư liệu để viết; hình thành ý chính, lập dàn ý cho bài viết; viết đoạn, bài; chỉnh sửa (bố cục, dùng từ, đặt câu, chính tả); viết được đoạn văn, văn bản thể hiện rõ ràng và mạch lạc chủ đề, thông tin chính; phù hợp với yêu cầu về kiểu, loại; có mở đầu, triển khai, kết thúc; các câu, đoạn liên kết với nhau.
Cùng với thực hiện quy trình viết, Chương trình Giáo dục phổ thông quy định việc thực hành viết theo từng bước: điền được phần thông tin còn trống, viết được câu trả lời, viết câu dưới tranh phù hợp với nội dung câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe; viết câu nói về hình dáng hoặc hoạt động của nhân vật dưới tranh trong câu chuyện đã học dựa trên gợi ý; viết câu trả lời hoặc viết lại câu đã nói để giới thiệu bản thân dựa trên gợi ý. Theo từng cấp độ:
- Về câu: viết được 4 - 5 câu thuật lại một sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia dựa vào gợi ý; 4 - 5 câu tả một đồ vật gần gũi, quen thuộc dựa vào gợi ý; 4 - 5 câu nói về tình cảm của mình đối với người thân hoặc sự việc dựa vào gợi ý; 4 - 5 câu giới thiệu về một đồ vật quen thuộc dựa vào gợi ý; biết đặt tên cho một bức tranh; biết viết thời gian biểu, bưu thiếp, tin nhắn, lời cảm ơn, lời xin lỗi.
- Về đoạn văn: viết được đoạn văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến, tham gia; đoạn văn ngắn miêu tả đồ vật; nêu tình cảm, cảm xúc về con người, cảnh vật dựa vào gợi ý; nêu lí do vì sao mình thích hoặc không thích một nhân vật trong câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe; giới thiệu về bản thân, nêu được những thông tin quan trọng như: họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, sở thích, ước mơ của bản thân; viết được thông báo hay bản tin ngắn theo mẫu; điền được thông tin vào một số tờ khai in sẵn; viết được thư cho người thân hay bạn bè (thư viết tay hoặc thư điện tử); đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của bản thân về một nhân vật trong văn học hoặc một người gần gũi, thân thiết; đoạn văn ngắn nêu lí do vì sao mình thích câu chuyện đã đọc hoặc đã nghe; đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của bản thân trước một sự việc hoặc một bài thơ, câu chuyện; đoạn văn nêu lí do vì sao tán thành hoặc phản đối về một hiện tượng, sự việc có ý nghĩa trong cuộc sống; đoạn văn giới thiệu về một nhân vật trong một cuốn sách hoặc bộ phim hoạt hình đã xem (hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ).
- Về bài văn: viết được bài văn thuật lại một sự việc đã chứng kiến (nhìn, xem) hoặc tham gia và chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của mình về sự việc đó; bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe hoặc viết đoạn văn tưởng tượng dựa vào câu chuyện đã đọc, đã nghe; bài văn miêu tả con vật, cây cối; sử dụng nhân hoá và những từ ngữ gợi lên đặc điểm nổi bật của đối tượng được tả; văn bản ngắn hướng dẫn các bước thực hiện một công việc hoặc làm, sử dụng một sản phẩm gồm 2 - 3 bước; báo cáo thảo luận nhóm, đơn theo mẫu, thư cho người thân, bạn bè; viết được bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe với những chi tiết sáng tạo; viết được bài tả người, phong cảnh có sử dụng so sánh, nhân hoá và những từ ngữ gợi tả để làm nổi bật đặc điểm của đối tượng được tả; báo cáo công việc, chương trình hoạt động, có sử dụng bảng biểu.
Có thể thấy: ở cấp Tiểu học, nội dung đánh giá hoạt động viết của học sinh chủ yếu tập trung vào thực hành viết đoạn văn (kể lại, miêu tả ngắn, nói về tình cảm của mình,giới thiệu loài vật, đồ vật...); bài văn tả người, phong cảnh; bài văn giải thích về một hiện tượng tự nhiên; bài giới thiệu sách hoặc phim, báo cáo công việc, chương trình hoạt động, có sử dụng bảng biểu; văn bản quảng cáo (tờ rơi, áp phích,...)gần gũi với học sinh.
3. Đánh giá kết quả hoạt động viết ở Trung học cơ sở
Ở cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông, yêu cầu cần đạt về hoạt động viết trong môn Ngữ văn thể hiện qua:
3.1. Quy trình viết bảo đảm các bước
- Chuẩn bị trước khi viết (xác định đề tài, mục đích, thu thập tư liệu);
- Tìm ý và lập dàn ý; viết bài;
- Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm;
Bài viết thể hiện sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, biết cách trích dẫn văn bản của người khác (nếu có).
3.2. Thực hành viết
-Viết được bài văn kể về một trải nghiệm của bản thân, kể lại một truyền thuyết hoặc cổ tích, bài văn tả cảnh sinh hoạt; trình bày ý kiến về một hiện tượng mà mình quan tâm,thuyết minh thuật lại một sự kiện; viết được biên bản ghi chép đúng quy cách, nêu đầy đủ các nội dung chính về một vụ việc hay một cuộc họp, cuộc thảo luận; tóm tắt được nội dung chính của một số văn bản đơn giản đã đọc bằng sơ đồ; bước đầu biết làm bài thơ lục bát, viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ lục bát.
– Viết được bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, bài văn có sử dụng các yếu tố miêu tả, bài văn biểu cảm, bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống; phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học; viết văn bản thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ trong trò chơi hay hoạt động,văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách; biết tóm tắt một văn bản theo yêu cầu về đảm bảo nội dung chính của văn bản có độ dài khác nhau; biết làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ, viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ bốn, năm chữ.
– Viết được bài văn kể lại một chuyến đi hay một hoạt động xã hội,văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống,phân tích một tác phẩm văn học,thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên hoặc giới thiệu một cuốn sách; văn bản kiến nghị về một vấn đề đời sống; bước đầu biết làm một bài thơ tự do (sáu, bảy chữ), viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do.
– Viết được một truyện kể sáng tạo, có thể mô phỏng một truyện đã đọc, bài văn nghị luận về một vấn đề,văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học,bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử có sử dụng các yếu tố minh hoạ; một bản quảng cáo hoặc tờ rơi về một sản phẩm hay một hoạt động, sử dụng kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ; bước đầu biết làm một bài thơ tám chữ, viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tám chữ.
Như vậy, ở cấp Trung học cơ sở, nội dung đánh giá hoạt động viết của học sinh chủ yếu tập trung vào thực hành tạo lập các kiểu văn bản và thể loại: văn bản tự sự, văn bản miêu tả, văn bản biểu cảm, văn bản nghị luận, văn bản thông tin, với các yêu cầu thể hiện năng lực viết thông qua các thao tác tạo lập văn bản, sử dụng các phép liên kết theo hướng mở và kết hợp sử dụng đa phương tiện.
(Đón đọc Kì 2)