Đổi mới giáo dục tiểu học – Những yếu tố làm nên thành công

Ngày 25/7/2016, tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ giáo dục tiểu học, giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên năm học 2016-2017, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục là quá trình liên tục và phải đổi mới đồng bộ tất cả các yếu tố của hoạt động giáo dục; nhưng chúng ta luôn có mục tiêu mới ở phía trước của từng yếu tố khác nhau nên quá trình đổi mới luôn tạo ra và phải liên tục giải quyết sự thiếu đồng bộ để đi lên. Khó khăn như vậy nên để đổi mới thành công cần có sự thấu hiểu, đồng lòng và nhiệt huyết của đội ngũ, quyết tâm vượt qua khó khăn từng bước một.

Năm học 2015 – 2016 vừa qua, giáo dục tiểu học đã thực hiện nhiều nội dung đổi mới và từng bước đạt những thành công cơ bản như tiếp tục triển khai hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn liền với triển khai và xây dựng Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); Đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 30; Nhân rộng đề án “Bàn tay nặn bột”, giáo dục STEM; Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch, triển khai Tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục. Vậy những yếu tố nào làm nên thành công cơ bản cho các nội dung đổi mới giáo dục tiểu học này?

Giao quyền tự chủ

Hiện nay, ngành giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học đang đổi mới công tác quản lý giáo dục với cơ chế hướng tới sự dân chủ hơn để sáng tạo hơn. Và để có được sự dân chủ hơn phải tăng cường tính tự chủ, tăng phân cấp cho các cơ quan quản lý giáo dục, nhưng đồng thời cũng phải tăng sự tự chủ cho các cơ sở giáo dục, sự tự chủ cho giáo viên. Trong quá trình áp dụng những nội dung đổi mới, rất nhiều địa phương, tập thể, cá nhân nhà trường đã có những kinh nghiệm, giải pháp, sáng tạo chuyên môn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, phù hợp với từng vùng miền cơ sở. Những sáng tạo mang tính chuyên môn này rất cần sự tự chủ, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, sự linh hoạt và tự chủ của giáo viên, cán bộ quản lý. Cùng với đó, phong cách hoạt động quản lý cũng phải thay đổi từ nặng về chỉ huy và kiểm tra sang giao quyền và giám sát.

Điển hình như việc áp dụng Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), Sở GDĐT tỉnh Lào Cai đã có những cơ sở chủ động xây dựng được những điển hình phù hợp với điều kiện địa phương như: Mô hình trường học du lịch; Mô hình trường học nông trại; Mô hình trường học sinh thái…, chủ động đưa những đặc trưng văn hóa, di sản địa phương vào từng bài học, gắn kết gia đình – nhà trường và xã hội, tạo sự đồng thuận lớn từ địa phương với mô hình VNEN tại toàn tỉnh.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Sự tự chủ và tăng phân cấp cho các cơ quan quản lý, cho các cơ sở giáo dục và giáo viên là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên để đảm bảo sự tự chủ đó, việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý,cũng như tăng cường tính hiệu quả, chủ động của công tác quản lý, ứng dụng CNTT, công nghệ là vô cùng cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý các cấp là vô cùng cần thiết. Trong đó, vấn đề kinh phí xây dựng dữ liệu tài nguyên phục vụ cho các chương trình gắn với dạy học, kiểm tra thi cử để phục vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý cần phải được chú trọng cập nhật đặc biệt cho đội ngũ giáo viên, cán bộ vùng sâu vùng xa. Đồng thời để xây dựng khung chuẩn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý rất cần có sự phối hợp đồng bộ từ Hệ thống đào tạo sư phạm đổi mới để nhanh chóng phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ.

Trong năm học 2015 – 2016, Vụ giáo dục tiểu học đã chỉ đạo việc tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 4.000 hiệu trưởng trường tiểu học nhằm nâng cao năng lực về đổi mới hoạt động trường tiểu học, đổi mới cách đánh giá tiết học, sinh hoạt chuyên môn, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học sinh, đổi mới hoạt động quản lý đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục tiểu học.

Song song với việc tập huấn và nâng cao năng lực, các văn bản, quy định liên quan cũng được chú trọng ban hành tạo thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức và thực hiện như: Quyết định số 14/2007/QĐ-BGDĐT ngày 4/5/2007 về đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng hay Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 8/4/2011 về Quy định chuẩn Hiệu trưởng trường tiểu học của Bộ GDĐT.

Công tác quản lý chủ động, áp dụng CNTT và công nghệ sẽ góp phần giảm tải các hồ sơ, sổ sách để giáo viên có nhiều thời gian cho các sáng tạo chuyên môn, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực cá nhân.

Đổi mới mang tính đồng bộ

Những bất cập từ nhu cầu và tình hình thực tế của từng địa phương là đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Như vậy, trong thực tế triển khai các nội dung đổi mới, tính đồng bộ chỉ mang tính tương đối, đồng bộ sẽ được thực hiện dần dần. Những thứ chưa đồng bộ sẽ cần ý kiến đóng góp từ các địa phương cơ sở thật kịp thời để nhanh chóng được sửa đổi. Việc áp dụng cào bằng, triển khai đại trà hay đồng đều giữa các địa phương là không thể, bởi thực tế có sự chênh lệch giữa các điều kiện về cơ sở vật chất trường học, năng lực giáo viên cũng như đội ngũ cán bộ quản lý.

Mấu chốt cho sự thành công của đổi mới là thống nhất được quan điểm chung, thống nhất cách tiếp cận vấn đề cũng như thay đổi quan niệm lâu nay vẫn tồn tại nhưng đã trở thành lạc hậu. Ví dụ chất lượng giáo dục hiện không chỉ là đo bằng kết quả lĩnh hội kiến thức, chất lượng giáo dục còn thể hiện ở sự tự chủ, sáng tạo của học sinh, năng lực hoạt động nhóm, tư duy phê phán của học sinh….

Tính bền vững của các nội dung đổi mới

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến dư luận băn khoăn về việc đến năm 2018, Bộ sẽ triển khai Chương trình và Sách giáo khoa mới, vậy những nội dung đổi mới đang áp dụng trong giáo dục tiểu học hiện nay sẽ ra sao? Tính bền vững và kế thừa của những thành quả đổi mới này thế nào?

Khẳng định tại Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh những đổi mới của giáo dục nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng trong những năm gần đây như: Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN); đổi mới đánh giá học sinh; phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”; xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường; sinh hoạt tổ chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; hoạt động chuyên môn trên trang mạng “ trường học kết nối”… là đúng hướng, là chuẩn bị cho việc triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ vẫn được tiếp tục duy trì và phát huy phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương, từng nhà trường.

Riêng đối với Mô hình trường học mới (VNEN)với 2 nội dung cơ bản:

Thứ nhất, về đổi mới phong cách quản lý, đảm bảo tính tự chủ, năng động, sáng tạo của giáo viên, học sinh, giúp gắn kết gia đình – xã hội và cộng đồng tốt hơn sẽ được đưa vào Điều lệ Nhà trường dưới các hình thức phù hợp. Trên thực tế phong cách quản lý đổi mới của VNEN đã được triển khai áp dụng khá rộng rãi với những mức độ khác nhau.

Thứ hai, về tính quy trình (nên dễ chuyển giao cho giáo viên) của phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh đi kèm với Tài liệu hướng dẫn học. Bộ tài liệu này sẽ được xem xét, chỉnh sửa ngay trong quá trình sử dụng hiện nay và sẽ điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học mới. Đến năm 2018, sẽ chính thức thực hiện chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa” thì bộ sách này được hoàn thiện theo chương trình mới và hy vọng sẽ là một trong các bộ SGK để các nhà trường lựa chọn và áp dụng, trong đó phương pháp và hình thức tổ chức lớp học VNEN cũng sẽ là một lựa chọn hợp lý.


Hình ảnh tại buổi hội nghị

Để thay cho lời kết, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – Ông Phạm Ngọc Định cho biết: “Giáo dục Tiểu học là bậc học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là bậc học vô cùng quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách con người. Vì vậy, những đổi mới trong giáo dục tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn, đúng hướng, sẽ có tác động một cách bền vững tới các bậc học tiếp theo.”

Ngô Hiền Tuyên

(VỤ GIÁO DỤC TIỂU HỌC)