Nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề cho học sinh khuyết tật

Ngày 18/4, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), do ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GDĐT) làm Trưởng đoàn, đã thăm và làm việc về các nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật với tỉnh Hưng Yên.

Tại đây, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên các học sinh, cán bộ quản lý và giáo viên Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, Hưng Yên nhân dịp kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4); đồng thời, tổ chức cuộc toạ đàm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề cho học sinh khuyết tật.


Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho học sinh, giáo viên Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu, Hưng Yên

Đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh khuyết tật

Thông tin về hoạt động dạy văn hoá, giáo dục chuyên biệt, hoạt động dạy nghề, chăm sóc, quản lý học sinh tại nhà trường, cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu cho biết: Năm học 2024-2025, nhà trường đã tiếp nhận 200 học sinh khuyết tật theo chỉ tiêu được giao và 40 học sinh khuyết tật ngoài cộng đồng được can thiệp miễn phí tại trường. Với độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi, các em được chia thành 17 lớp học văn hoá, 5 lớp can thiệp cá nhân và 1 lớp thư viện đồ chơi.

100% học sinh được tham gia học tập trên lớp và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngoại khóa. Hằng ngày, học sinh được tham gia học tập 2 buổi là 1 buổi học văn hóa và 1 buổi được tham gia can thiệp chuyên sâu hoặc hướng nghiệp học nghề.


Hiệu trưởng Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu Nguyễn Thị Lan báo cáo tại buổi làm việc

Hng năm, có hơn 20% số học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tại nhà trường và nhà trường tiếp tục tuyển sinh học sinh mới theo chỉ tiêu được giao.

Nhà trường cũng đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh khuyết tật khi tham gia học tập, sinh hoạt tại trường; chăm sóc, quản lý tốt học sinh, không có trường hợp gây mất an toàn cho trẻ.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được chuẩn hóa, có lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, luôn trau dồi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ, công tác.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tại phiên toạ đàm, các đại biểu đã thảo luận tập trung về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Trường Phục hồi chức năng và Dạy nghề cho người khuyết tật Khoái Châu cũng như nhiều cơ sở giáo dục người khuyết tật khác hiện nay như: Thiếu nguồn lực và cơ sở vật chất để mở rộng các lớp học; chương trình giảng dạy; cơ hội việc làm cho học sinh khuyết tật sau khi hoàn thành khóa học nghề; hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức; cơ cấu tổ chức hoạt động của nhà trường…


Các đại biểu trao đổi tại toạ đàm

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục người rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia Nguyễn Văn Hưng nhận định: Việc tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục học sinh khuyết tật. Đó là điều kiện tiên quyết giúp học sinh khuyết tật vượt qua rào cản, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Trí cho biết: Ngày 25/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GDĐT cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch này.


Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GDĐT) Tạ Ngọc Trí phát  biểu tại toạ đàm

“Điều đó để thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ GDĐT ghi nhận các ý kiến tại toạ đàm, tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các hướng đi, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, dạy nghề cho học sinh khuyết tật trong thời gian tới”, ông Tạ Ngọc Trí nói.                                                                

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

In trang