Trường Đại học Tây Bắc hướng tới trở thành nơi đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số uy tín và chất lượng

Trường Đại học Tây Bắc đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tham gia Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trường Đại học Tây Bắc được thành lập theo Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg ngày 23/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 24 ngành đào tạo đại học, trong đó có 13 ngành đào tạo giáo viên: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục chính trị, Giáo dục Thể chất. Trong suốt quá trình hoạt động từ trước tới nay, nhà trường đã đào tạo rất nhiều thế hệ giáo viên các cấp cho vùng Tây Bắc.

Đối với công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số, năm 2007, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông phục vụ nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Mông thực hiện được một khóa, sau đó do thiếu đội ngũ giảng viên nên hoạt động đào tạo không còn tiếp tục. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, nhà trường tổ chức bồi dưỡng tiếng Thái cho cán bộ, công chức, viên chức và nhà trường đang kết hợp với các sở giáo dục đào tạo trong vùng để thực hiện nhiệm vụ này.

Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/01/2022 về phê duyệt Chương trình "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn Trường Đại học Tây Bắc là một trong những đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc đào tạo giáo viên tiếng Mông, tiếng Thái phục vụ nhu cầu dạy học tiếng Mông, tiếng Thái của các tỉnh vùng Tây Bắc. Nắm bắt nhu cầu thực tiễn và nhiệm vụ được giao, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch số 418/KH-ĐHTB ngày 27/4/2022 triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số. Mục tiêu của kế hoạch là trong thời gian từ nay đến đầu năm 2023, phải chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện tổ chức đào tạo để bắt đầu quý 2 năm 2023 sẽ tiến hành hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Mông, tiếng Thái.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, Trường Đại học Tây Bắc có được một số các điều kiện thuân lợi và cũng gặp rất nhiều khó khăn. Về thuận lợi, Trường Đại học Tây Bắc là trường đại học duy nhất đóng trên địa bàn khu vực Tây Bắc; cán bộ, giảng viên của Trường đã gắn bó lâu dài với môi trường văn hóa - giáo dục khu vực Tây Bắc, rất am hiểu về lĩnh vực này; một số cán bộ, giảng viên của Trường là người dân tộc Thái, Mông, Lào... Môi trường đào tạo của Trường gắn với môi trường sinh hoạt có sử dụng tiếng Thái, tiếng Mông, vì thế công tác thực hành tiếng dành cho người học khá thuận lợi. Trường có lịch sử hơn 60 năm đào tạo khối ngành giáo viên, vì thế việc xây dựng Chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số sẽ có nhiều thuận lợi. Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/ 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo có quy định phù hợp với thực tiễn thiếu đội ngũ khoa học của các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số giúp cho việc mở ngành đạo tạo giáo viên tiếng Mông, tiếng Thái có thể thực hiện thuận lợi.

Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo giáo viên tiếng dân tộc của Trường Đại học Tây Bắc cũng gặp một số khó khăn. Công tác tuyển sinh đào tạo giáo viên tiếng dân tộc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do môn học tiếng dân tộc thiểu số chỉ là môn học tự chọn, học sinh có thể học hoặc không học nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên là không ổn định. Vì thế, đầu ra cho các sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số sẽ không thuận lợi, điều đó cũng có nghĩa sức hấp dẫn trong tuyển sinh không cao, dẫn đến việc tuyển sinh khó có hiệu quả tốt. Vì vậy, nhà trường phải cân nhắc về việc mở ngành, cơ cấu mã ngành đào tạo sao cho hợp lý để hoạt động đào tạo giáo viên tiếng dân tộc khả thi và tránh lãng phí nguồn lực.

Về phía nhà trường, khó khăn nhìn thấy rõ nhất là thiếu đội ngũ giảng viên. Mặc dù trong quy định mở ngành đã chú ý đến tính đặc thù để giảm các yêu cầu về đội ngũ khoa học, nhưng trong thực tế để có được đội ngũ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, nhà trường vẫn phải đẩy mạnh chuẩn bị công tác đào tạo và tuyển dụng đội ngũ giảng viên. Việc chuẩn bị đội ngũ cần đầu tư các nguồn lực, nhưng việc sử dụng đội ngũ có hiệu quả hay không thì lại phụ thuộc vào công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó việc xây dựng chương trình đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có đội ngũ có chuyên môn sâu thực sự về lĩnh vực đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Việc đầu tư cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình để phục vụ mở ngành và đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số là rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh chưa nhìn thấy được sức hấp dẫn trong công tác tuyển sinh mã ngành này. Việc phối hợp với địa phương trong công tác tuyển sinh chưa được khởi động do một số tỉnh vùng Tây Bắc cũng chưa cho thấy quyết tâm triển khai nhiệm vụ dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông.

Để chuẩn bị cho công tác đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, nhà trường định hướng một số công việc cần làm trong thời gian tới như sau: Phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, các sở giáo dục và đào tạo để xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng dân tộc thiểu số trong từng năm, từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu của địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số. Cử cán bộ đi đào tạo để tăng cường đội ngũ giảng viên giảng dạy tiếng dân tộc thiểu số phục vụ công tác mở ngành đào tạo. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trang thiết bị, công nghệ thông tin và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động đào tạo. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy học tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng đề án mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị nguồn tài liệu phục vụ công tác đào tạo khi mở ngành.

Trường Đại học Tây Bắc mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp của chính quyền các địa phương để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, trở thành một cơ sở đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số uy tín và chất lượng.

TS. Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GDĐT

In trang