Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 49 tỉnh thành nhằm trao đổi những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT; Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT. Qua đó, đề xuất, kiến nghị và góp ý cho dự thảo Thông tư thay thế các Thông tư trên.
Quang cảnh hội thảo tại Hà Nội
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, hiện nay, toàn quốc có 321 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 101.918 học sinh nội trú.
Báo cáo tổng kết 10 năm trường PTDTNT giai đoạn 2008-2018 đã khẳng định, mô hình giáo dục của các trường PTDTNT đóng vai trò to lớn trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, khoảng cách về vùng miền ngày càng được thu hẹp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mặt khác, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách phát triển hệ thống trường PTDTNT đã thay đổi theo Luật Giáo dục 2019. Do đó, các văn ban, chính sach cần được điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp.
Ngoài ra, vấn đề giáo dục học sinh PTDTNT cũng cần phải linh hoạt, tăng cường hòa nhập đối với học sinh dân tộc thiểu số để các em tiếp cận và đáo ứng được những thay đổi theo sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay.
Vì vậy, tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đại biểu cho dự thảo Thông tư, để khi Thông tư sau khi được ban hành sẽ đi vào đời sống thực tế, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo có chất lượng đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Điều này đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và các mục tiêu phát triển bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đại diện cho các ban, ngành, địa phương đã đưa ra các ý kiến, đề xuất, kiến nghị về thay đổi ở nhiều khía cạnh khác nhau, phù hợp với thực tiễn nhằm hoàn thiện, hoàn chỉnh xây dựng Thông tư mới thay thế cho các Thông tư cũ như: mô hình, điều kiện, thủ tục thành lập trường PTDTNT, tuyển sinh, chế độ đãi ngộ…