Trường PTDTNT Tỉnh Yên Bái nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và quan tâm đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi

Trường phổ thông thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Yên Bái được thành lập 15/10/1982 theo Quyết định số 473/1982/QDD-VC ngày 08/10/1982 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn, là trường chuyên biệt, có nhiệm vụ đào tạo bậc THPT cho con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. 100% là học sinh người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Tày, Phù Lá...

Năm học 2020-2021, nhà trường có tổng số 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên. 100% giáo viên của nhà trường đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn với tổng số 418 học sinh thuộc 3 khối lớp 10, 11, 12.

Năm học 2020-2021 được sự quan tâm của tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái trường được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 6,5 ha với tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng, gồm các khối nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng, ký túc xá và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học của nhà trường được đầu tư theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy, học và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường.

Từ năm học 2012-2013 đến nay chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường không ngừng được nâng lên, cụ thể:

Chất lượng giáo dục đại trà: chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường luôn được duy trì và phát huy:         Về hạnh kiểm khá tốt đạt 98,56% trở lên. Học lực loại giỏi đạt trung bình trên 5,06 %; loại khá đạt trung bình trên 50,56%; Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%; Tỷ lệ lên lớp thẳng đạt 98,56%; Về tỷ lệ thi CĐ-ĐH đạt từ 61,2 → trên 70.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn: Từ năm học 2012-3013 đến nay công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường đạt nhiều thành tích đáng tự hào, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia, đoàn học sinh giỏi của nhà trường đã đạt được 210 giải cấp tỉnh và giải quốc gia thuộc các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Sinh học, Toán, Hóa học, tin học, vận dụng kiến thức liên môn, Violympic và thi KHKT sáng tạo. Tính riêng năm học 2019-2020, trên 99% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt; có 68% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; 33 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi và khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 100% học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình chung đạt 6,92 điểm, đứng thứ hai toàn tỉnh; trên 30% học sinh lớp 12 có điểm xét tuyển 3 môn thi đại học từ 27 điểm trở lên, trong đó có 02 em có điểm cao nhất đạt 31,75 điểm (trong đó có cả điểm ưu tiên).

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã xây dựng thành công 02 mô hình mới được các đơn vị trong tỉnh và một số trường PTDTNT ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm; cụ thể:

- Mô hình “Xây dựng phong trào tự quản, tự học trong tu dưỡng rèn luyện, sinh hoạt nội trú của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”

          Nhà trường đã thành lập các Ban phụ trách các mảng hoạt động giáo dục để cùng phối kết hợp tham gia tổ chức, giáo dục, quản lý học sinh thực các hoạt động tại nhà trường, như: Ban hoạt động ngoài giờ lên lớp do Đoàn thanh niên phụ trách, tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, công tác thông tin, tuyền truyền giáo dục đoàn viên, thanh niên... ; Ban lao động, vệ sinh tổ chức các hoạt động tăng gia, sản xuất (làm vườn rau, chăm sóc cây trong khuân viên nhà trường, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường, tổ chức tự nấu ăn phục vụ tập thể trong các ngày nghỉ có sự hướng dẫn, quản lý của nhân viên tổ đời sống..); Ban quản sinh phụ trách công tác quản lý học sinh trong các giờ tự học chiều, tối;... Ngoài ra các Ban còn phối kết hợp để hướng dẫn, tổ chức cho học sinh sinh hoạt nội trú có nề nếp, phát huy phong trào tự quản, tự rèn, qua đó giáo dục, hình thành kỹ năng sống trong môi trường học tập nội trú, giáo dục truyền thống văn hóa, đoàn kết, tương thân tương ái. Thông qua việc tổ chức đời sống nội trú đã giúp cho các em yên tâm về tư tưởng, yêu trường, yêu lớp, đoàn kết, gắn bó với nhau, từ đó tạo hứng thú, động cơ học tập và tu dưỡng tại nhà trường cho học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đã cho xây dựng thời gian biểu cho các hoạt động học tập hàng ngày, tuần, tháng; thông qua sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu giáo viên quan tâm bồi dưỡng cho HS phương pháp và kỹ năng học tập tích cực, chủ động, tránh lối học vẹt, thụ động và phát huy năng lực tự học, tự tìm hiểu.

Với đặc thù trường nội trú, học sinh ăn ở, sinh hoạt, học tập trung 24/24h tại trường, nên nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng phong trào tự học, tự quản trong học sinh, học theo nhóm, học tự quản trên lớp (buổi chiều, tối); đồng thời phát huy tốt công tác phục vụ của thư viện nhà trường để hỗ trợ cho học sinh tự học trên cơ sở hướng dẫn của thầy cô giáo.

- Mô hình “Bồi dưỡng mũi nhọn, góp phần tạo phong trào thi đua, học tập tốt trong nhà trường”.

          Đối tượng tuyển sinh của trường chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh nên trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, còn nhiều hạn chế, quy mô học sinh ít, chỉ có 140 học sinh/khối lớp do đó, việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi là vấn đề khó khăn của nhà trường.

          Với thực trạng đối tượng học sinh và đội ngũ giáo viên của nhà trường, ngay từ đầu năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi các cấp. Định hướng các môn thi là thế mạnh của học sinh như Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý,... Ngoài ra cũng tổ chức, khuyến khích học sinh có khả năng tham gia các môn thực hành như vận dụng kiến thức liên môn nhằm tạo phong trào thi đua học tập trong tập thể học sinh nhà trường.

Bên cạnh đó Ban Giám hiệu nhà trường rất chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao để phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, kịp thời động viên GV và HS có thành tích cao. Hỗ trợ, động viên về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh tham gia đội tuyển.

Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ổn định, từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá giỏi; tỷ lệ học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia hàng năm đều duy trì cả về số lượng và chất lượng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng phong trào thi đua dạy tốt của giáo viên, thi đua học tập, rèn luyện tốt của học sinh.

Bên cạnh công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, nhà trường có phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Hàng năm đều tổ chức các hoạt động hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao và tích cực các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao do ngành và tỉnh tổ chức và thường đạt kết qủa cao. Tham gia tích cực các ngày kỷ niệm lớn, các cuộc phát động của địa phương; tham gia ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo hàng năm đầy đủ với số tiền hàng chục triệu đồng và nhiều hiện vật khác...

Với chất lượng giáo dục và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, nhà trường đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì năm 2005, công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2012 và nhiều năm liền được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng bằng khen và cờ thi đua.

Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh ưu tú các dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng... đã trưởng thành, công tác trên mọi miền của đất nước và thành đạt trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều em đã trở về quê hương để xây dựng bản làng, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trường PTDTNT tỉnh Yên Bái đã trở thành địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Vụ Giáo dục Dân tộc

In trang