Tỉnh Thanh Hóa quan tâm phát triển hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13 trường PTDTNT, trong đó có 02 trường PTDTNT cấp tỉnh và 11 trường PTDTNT cấp huyện. 12/13 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được vào học trong các trường PTDTNT chiếm gần 12%.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị cho các trường PTDTNT, chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu về diện tích đối với trường học và tính đặc thù của trường chuyên biệt; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT, bổ sung thiết bị dạy học, giáo dục, nuôi dưỡng học sinh nội trú. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh số 2 với hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia tại khu đô thị huyện Ngọc Lặc đã thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ tri thức dân tộc thiểu số để tăng cường đội ngũ cán bộ cho 11 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao dân trí và thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững của các địa phương đồng thời góp phần đưa tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số vào học tại các trường dân tộc nội trú đạt 10% từ năm học 2020-2021. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã bố trí đầy đủ theo quy định cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường PTDTNT. Quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ. Trong thời gian qua đã cử 70 lượt cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tập huấn các chuyên đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức với nguồn kinh phí địa phương là 107 triệu đồng. Tổ chức tập huấn các chuyên đề giáo dục đặc thù cho 206 lượt cán bộ quản lý và giáo viên trường dân tộc nội trú với nguồn kinh phí là 115 triệu đồng; sử dụng có hiệu quả các tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn như Tài liệu nâng cao năng lực tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú; tài liệu giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; tài liệu về tư vấn tâm lý học đường; tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội ở trường PTDTNT. Tổ chức các hội nghị tập huấn về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên các trường PTDTNT.

Tổ chức chỉ đạo các trường PTDTNT tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh, phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học. Chú trọng công tác giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cho học sinh.

Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng về chức năng, nhiệm vụ của trường PTDTNT trong việc tạo nguồn cán bộ và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 13 trường PTDTNT, trong đó có 02 trường PTDTNT tỉnh và 11 trường PTDTNT huyện. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được vào học trong các trường PTDTNT là 11,63% (THCS: 7,86%, THPT: 3,77%). Qui mô học sinh dân tộc nội trú cấp huyện là 240 học sinh (08 lớp)/trường; qui mô trung bình của trường cấp tỉnh là 540 học sinh (18 lớp)/trường. Hiện nay, 12/13 trường phổ thông dân tộc nội trú đã đạt chuẩn quốc gia. Tổng số học sinh các trường PTDTNT năm học 2019-2020 là 3.720 học sinh, trong đó khối trường THCS DTNT có 2.640 học sinh và khối THPT Dân tộc nội trú có 1.080 học sinh.

       Kết quả xếp loại hạnh kiểm tốt và khá các năm học đều đạt trên 96%, học lực khá giỏi đạt gần 40%. Hằng năm, học sinh các trường PT Dân tộc nội trú tỉnh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ 60%, gần 20% đi học cử tuyển và dự bị đại học, khoảng 25% vào học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất. 

Nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh hóa, hệ thống trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh được củng cố, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc thiểu số góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi của địa phương và cả nước.

Vụ Giáo dục Dân tộc

In trang