Các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện tốt các hoạt động giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Tuyên Quang có 20 trường PTDTBT với tổng số 3.259 học sinh bán trú.

Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục dân tộc, tập trung chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, phù hợp đối tượng học sinh DTTS. Thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo quy định; phân tích kết quả đánh giá, xếp loại học sinh của năm học trước, để phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học; xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy kèm, phụ đạo học sinh yếu, phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi. Tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh trong các cơ sở giáo dục phù hợp đối tượng học sinh DTTS.

Đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn liên cụm, liên trường, tăng cường các hoạt động giao lưu giữa các đơn vị trường học; tổ chức Hội nghị giao ban các trường PTDTBT và các trường phổ thông có học sinh bán trú nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các nhà trường, tạo điều kiện cho cán bộ quản lí, giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được giao lưu, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm học 2019-2020 chất lượng giáo dục của các trường PTDTBT được nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ học sinh trường PTDTBT cấp THCS đạt hạnh kiểm tốt, khá là trên 87,5% học lực khá giỏi là 49,7%, trung bình 48,4%, yếu, kém là 1,8%.

Các trường PTDTBT đã thực hiện nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh nền nếp sinh hoạt, học tập, ăn ở trong khu nội trú, bán trú; tổ chức tốt tuần sinh hoạt tập thể đầu năm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan khu di tích lịch sử, dâng hương, báo công, tọa  đàm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của các dân tộc, giáo dục lòng tự tôn dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh DTTS. Tăng cường giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương, thực hiện xây dựng môi trường thân thiện, học sinh tích cực ở trong và ngoài nhà trường. Lựa chọn, tổ chức các hoạt động thể thao giải trí phù hợp giúp phát huy nét đẹp truyền thống của các dân tộc, xây dựng qui tắc ứng xử, nếp sống, ý thức công dân trong học sinh bán trú. Giữ gìn văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương; chú trọng hoạt động văn hóa dân gian nhằm giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hàng năm, tổ chức ngày Hội văn hóa các DTTS. Đây là hoạt động truyền thống sinh hoạt văn hóa các DTTS hết sức ý nghĩa, thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh, phụ huynh và nghệ nhân, nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các DTTS thông qua các hoạt động thi hát dân ca các dân tộc, thi trang phục dân tộc, các trò chơi dân gian hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh DTTS.

Tổ chức tốt các hoạt động lao động trong nhà trường như trồng cây xanh, chăm sóc bồn hoa cây cảnh, trồng rau, nuôi lợn, nuối gà, thả cá góp phần rèn luyện ý thức yêu lao động của học sinh, biết quý trọng sản phẩm lao động do mình làm ra, vừa tạo ra sản phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em.

Bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của học sinh DTTS như thành lập câu lạc bộ Hát then, đội văn nghệ xung kích như trường; Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa các DTTS tỉnh Tuyên Quang cho học sinh phổ thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với UBND các huyện tham mưu UBND tỉnh ưu tiên nguồn vốn, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị nhà bếp phục vụ công tác bán trú 20/20 trường PTDTBT có nhà ăn, bếp ăn 1 chiều, đồ ăn được nấu bằng ga, nồi cơm điện, thức ăn được bảo quản trong tủ bảo ôn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các trường PTDTBT thực hiện phân công cán bộ quản lý bếp ăn tập thể đảm bảo lương thực, thực phẩm mua vào có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng, có cam kết về chất lượng vệ sinh an  toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm túc quy trình nhập kho, xuất kho, quy trình chế biến, lưu mẫu thực phẩm chín và sống; phối hợp với Trung tâm y tế cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 100% học sinh nội trú, bán trú; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh về sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, tránh dịch, bệnh.

Nói về hiệu quả giáo dục của mô hình trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Ông Vũ Tuân, chuyên viên Phòng giáo dục Trung học, phụ trách công tác giáo dục dân tộc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết: Với đặc thù giáo dục miền núi, địa hình hiểm trở, dân cư phân bố không đồng đều, hệ thống giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú là mô hình phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HS dân tộc thiểu số, duy trì nề nếp, hạn chế tình trạng HS bỏ học ở vùng dân tộc miền núi của tỉnh. Chất lượng xếp loại 2 mặt của học sinh DTTS ở các trường PTDTBT được nâng lên từng năm học, giảm dần khoảng cách về giáo dục giữa các vùng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá, giỏi tăng đáng kể. Các trường PTDTBT ở địa phương đã tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hệ thống Trường PTDTBT được quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục HS dân tộc thiểu số, duy trì nề nếp, hạn chế tình trạng HS bỏ học ở vùng dân tộc miền núi của tỉnh.

Vụ Giáo dục Dân tộc

In trang