Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm
Tại đây, đoàn công tác của Bộ GDĐT đã đi khảo sát thực tế và làm việc với hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm - đây là 2 huyện đặc biệt khó khăn và xa trung tâm thành phố nhất của tỉnh Cao Bằng.
Theo báo cáo của Phòng GDĐT huyện Bảo Lâm, sau 03 năm thưc hiện Nghị định 57, (từ năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020), trên địa bàn huyện có 333 trẻ mầm non, 135 học sinh tiểu học người Lô Lô được hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh theo quy định tại Nghị định 57. Ở bậc trung học, tổng số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6 phổ thông có học sinh bán trú là 51 em; số học sinh được hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào lớp 6 trường phổ thông dân tộc nội trú là 13 em.
Các em học sinh dân tộc Lô Lô tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, Cao Bằng
Thực hiện chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học, học sinh trung học theo Nghị định 57, trong 3 năm học (2017-2018, 2018-2019, 2019-2020), huyện Bảo Lâm đã chi trả gần 6 tỷ đồng.
Tại huyện Bảo Lạc, trong từng năm học, việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh học sinh dân tộc Lô Lô đã giúp cho tỉ lệ học sinh Lô Lô hoàn thành chương trình tiểu học được ưu tiên tuyển sinh vào ra trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tăng dần theo từng năm. Nếu như năm học 2018-2019, tỉ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình vào học PTDTNT huyện mới đạt 17,24% trên tổng số học sinh Lô Lô hoàn thành chương trình tiểu học, thì đến năm học 2019-2020, tỉ lệ này đã đạt 53,13%.
Việc triển khai nghiêm túc các chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người đã tạo điều kiện cho học sinh về chỗ ăn ở và điều kiện học tập; từ đó thu hút học sinh tới lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần rất lớn trong thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS, chất lượng giáo dục được nâng lên qua từng năm.
Các em học sinh tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng
Thực hiện chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người, các cơ sở giáo dục trên địa bàn hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc đã thực hiện nghiêm túc việc rà soát học sinh đảm bảo đúng đối tượng xét đề nghị hưởng chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc huy động học sinh dân tộc thiểu số rất ít người đến trường tại hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc cũng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều học sinh Lô Lô cấp THCS đã là lao động chính của gia đình nên thời gian dành cho việc học tập không nhiều; môt số em do ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nên đã không học tiếp tục lên THCS, THPT; một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ảnh hưởng đến việc học tập cũng như gây khó khăn cho công tác vận động học sinh đi học…
Không để sót đối tượng học sinh được thụ hưởng chính sách
Thực hiện công tác truyền thông giáo dục dân tộc, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền về các chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với học sinh, lợi ích của việc cho trẻ trong độ tuổi đi học thông qua các cuộc họp phụ huynh học sinh, cử giáo viên xuống bản và đến từng gia đình học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, Cao Bằng
Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận của toàn dân trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Một số nội dung được tập trung truyền thông như: chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kế hoạch hoạt động chuyên môn và tổ chức học bù linh hoạt, phù hợp cho học sinh vùng dân tộc thiểu số sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19; công tác quản lý, chăm sóc học sinh nội trú, bán trú; giáo dục văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng nói, chữ viết đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông; chính sách với người dạy, người học.
Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đối với lớp 1, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với lớp 2 và lớp 6 trong năm học 2021-2022; các tấm gương tiêu biểu, điển hình, việc làm, mô hình tích cực cũng được tuyên truyền rộng rãi.
Qua khảo sát thực tế, làm việc với lãnh đạo và ngành giáo dục hai huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, đoàn công tác của Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GDĐT) đánh giá cao việc triển khai Nghị định 57 và công tác truyền thông về vấn đề dân tộc tại hai địa phương còn nhiều khó khăn này.
Các em học sinh dân tộc thiểu số rất ít người với niềm vui đi học
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, cho rằng, các địa phương đã rất nỗ lực và có các cách làm sáng tạo mang lại những kết quả tích cực trong phát triển giáo dục, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp cận tri thức, có cơ hội vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 57, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Nguyễn Văn Thanh lưu ý, các địa phương cần tập trung triển khai nghiêm túc hơn nữa chính sách ưu tiên tuyển sinh và chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh dân tộc thiểu số ít người trên địa bàn; công tác chi trả chế độc phải được thực hiện đầy đủ, đúng quy định, tránh để lọt, không đúng đối tượng và chậm chi trả chế độ… ảnh hưởng đến học tập của học sinh , trong đó, đặc biệt quan tâm hơn nữa với nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc Lô Lô trên địa bàn.
Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa về công tác truyền thông về giáo dục dân tộc trong đó, chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về giáo dục dân tộc, chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục, tăng cường truyền thông nội bộ, bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của ngành đến với từng cán bộ, giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục, tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong đội ngũ giáo viên và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tổ chức truyền thông những tấm gương người tốt, việc tốt trong dạy và học.