Nhờ đó, đã có tác động tích cực đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DTTS. Đặc biệt đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người trong 3 năm học vừa qua (từ 2017 đến 2020) đã có 15.385 lượt trẻ mầm non, 194.235 lượt học sinh các cấp học phổ thông, 236 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt vùng DTTS, MN nhằm tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các DTTS
Giai đoạn 2016-2020, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành nhiều văn bản QPPL theo thẩm quyền, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm củng cố, phát triển hệ thống, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), dự bị đại học (DBĐH) góp phần nâng cao chất lượng tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các DTTS. Cụ thể, Bộ đã ban hành 07 Thông tư và 01 Quyết định[1].
Năm học 2019-2020, toàn quốc có tổng số 320 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số 105.818 học sinh nội trú (Tăng so với năm học 2015-2016 là 06 trường và 14.625 HS), trong đó có 03 trường trực thuộc Bộ GDĐT có đào tạo hệ PTDTNT là các trường: Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Hữu nghị 80 và Hữu nghị T78.
Trường PTDTBT có ở 29 tỉnh/thành phố với 1.134 trường (trong đó có 395 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 184 trường PTDTBT cấp TH&THCS, 555 trường PTDTBT cấp THCS), quy mô 250.795 học sinh bán trú (Tăng so với năm học 2015-2016 là 159 trường và 92.726 HS).
Toàn quốc hiện có 4 trường DBĐH (DBĐH dân tộc Trung ương, DBĐH dân tộc Sầm Sơn, DBĐH dân tộc Nha Trang, DBĐH TP Hồ Chí Minh); 01 trường PTDTNT trực thuộc Bộ có đào tạo hệ DBĐH dân tộc (Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc) và 3 khoa DBĐH dân tộc thuộc các trường đại học (Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh), với quy mô gần 4.000 HS dự bị/năm.
Hệ thống các trường PTDTBT, PTDTNT và dự bị đại học đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển KT-XH ở vùng DTTS, MN.
Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học, cao đẳng
Các Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ GDĐT ban hành[2] đều có quy định về chính sách cộng điểm ưu tiên nhằm bảo đảm sự công bằng về cơ hội học tập của người học ở những khu vực khác nhau, thuộc những đối tượng khác nhau và thể hiện sự ưu tiên của Nhà nước. Chính sách cộng điểm ưu tiên tuyển sinh bao gồm 2 loại: Ưu tiên theo đối tượng chính sách xã hội (DTTS, người có công và/hoặc thân nhân của người có công); ưu tiên theo khu vực (nơi thí sinh học trung học phổ thông hoặc theo hộ khẩu) ở các vùng miền có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện học tập khác nhau);
Các quy định về xét tuyển tuyển thẳng đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020; thí sinh là người DTTS rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, có hiệu quả và chất lượng trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với người DTTS. Quy chế đào tạo hiện hành quy định thời gian đào tạo tối đa đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành (trong đó có người dân tộc) được kéo dài hơn đối với các đối tượng khác.
Thống kê thí sinh là người DTTS trúng tuyển nhập học theo các trình độ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước: Năm 2018, có 1.497/8.259 (18,13%) sinh viên DTTS vào học cao đẳng, 19.166/372.451 (5,15%) sinh viên DTTS vào học đại học; năm 2019, có 1.713/9.065 (18,9%) sinh viên DTTS vào học cao đẳng, 20.588/398.297 (5,16%) sinh viên DTTS vào học đại học.
Chính sách hỗ trợ đối với người học
Trong những năm qua các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên được duy trì ổn định, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung đối tượng, bổ sung các chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo trong thời gian qua đã có tác động tích cực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DTTS
Các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm: chính sách học bổng; hỗ trợ học tập; miễn, giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các DTTS rất ít người; hằng năm, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em, học sinh vùng DTTS và miền núi ước khoảng 9.219 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ đào tạo đối với người DTTS gồm: chế độ cử tuyển, tuyển thẳng vào đại học, dự bị đại học, cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên trong tổ chức đào tạo, các chính sách hỗ trợ khác (học bổng; hỗ trợ chi phí học tập; miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội,...). Hằng năm, kinh phí thực hiện chính sách đối với sinh viên DTTS ước khoảng 1.486 tỷ đồng; Chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên (hiện nay có 400.485 học sinh, sinh viên đang vay vốn, với số dư nợ trên 11.000 tỷ đồng để phục vụ học tập).
Riêng đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người, trong 3 năm học vừa qua (từ 2017 đến 2020) đã có 15.385 lượt trẻ mầm non, 194.235 lượt học sinh các cấp học phổ thông, 236 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập (theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người).
Bên cạnh việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội theo đối tượng, thì học sinh, sinh viên (gồm cả học sinh, sinh viên DTTS) đang học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên còn được hưởng học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục (2019), cụ thể là:
Học bổng loại khá: mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành, chuyên ngành, nghề mà học sinh, sinh viên đó phải đóng tại trường do hiệu trưởng hoặc giám đốc quy định (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại khá trở lên. Đối với các trường tư thục mức học bổng tối thiểu do hiệu trưởng quy định. Đối với những ngành nghề đào tạo không thu học phí thì áp dụng theo đơn giá được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cho nhóm ngành đào tạo của trường;
Học bổng loại giỏi: mức học bổng cao hơn loại khá do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại giỏi trở lên và điểm rèn luyện đạt loại tốt trở lên;
Học bổng loại xuất sắc: mức học bổng cao hơn loại giỏi do hiệu trưởng quy định đối với học sinh, sinh viên có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện đều đạt loại xuất sắc.
Hiện nay Bộ GDĐT đang nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp trong đó bao gồm cả đối tượng là người DTTS.
Chính sách đầu tư đối với các cơ sở đào tạo vùng DTTS, MN
Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương tiếp tục đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất cho 04 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Thái Nguyên, trường đại học Tây Nguyên, trường Đại học Tây Bắc, trường Đại học Cần Thơ) ở địa bàn có nhiều sinh viên DTTS. Cụ thể:
- Đại học Thái Nguyên: được đầu tư khoảng 578.457 triệu đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cho 10 dự án, bao gồm: (i) Dự án đầu tư xây dựng Thái Nguyên bước II giai đoạn 2008-2011 (103.251 triệu đồng); (ii) Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III giai đoạn 2016-2020 (123.800 triệu đồng); (iii) Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước khu nhà ở sinh viên Đại học Thái Nguyên (7.748 triệu đồng); (iv) Dự án đầu tư xây dựng cụm công trình Nhà làm việc - Nhà đa năng - KTX sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đại học Thái Nguyên (80.000 triệu đồng); (v) Dự án đầu tư thiết bị đào tạo cho Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên (14.826 triệu đồng); (vi) Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (31.880 triệu đồng); (vii) Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực Nông Lâm Nghiệp trường Đại học Nông Lâm Đại học Thái Nguyên (46.339 triệu đồng); (viii) Dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc thư viện Trường Đại học công nghệ thông tin & truyền thông - Đại học Thái Nguyên (40.000 triệu đồng); (ix) Dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm đào tạo chất lượng cao ngành cơ khí - Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp - Đại học Thái Nguyên (25.000 triệu đồng); và (x) Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm khám chữa bệnh - Bệnh viện Trường Y dược - Đại học Thái Nguyên (30.000 triệu đồng).
- Dự án xây dựng hoàn thiện trường Đại học Tây Bắc được phê duyệt với tổng mức đầu tư 627,532 tỷ đồng. Nội dung đầu tư gồm: Xây mới các công trình Nhà điều hành, nhà học, nhà thí nghiệm, công trình văn hóa thể dục thể thao, các công trình phục vụ học tập sinh hoạt, ký túc xá, nhà công vụ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Trường Đại học Tây Bắc đang xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
- Dự án xây dựng Trường Đại học Tây Nguyên Giai đoạn 1 với tổng mức vốn đầu tư là 375 tỷ đồng. Nội dung đầu tư gồm: Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Nguyên; Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm; XD Trường PTTH Cao Nguyên; Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học và môi trường; Nhà thí nghiệm khoa Nông Lâm; Đầu tư thiết bị khoa Y dược - Trường ĐH Tây Nguyên thuộc chương trình PT nguồn nhân lực y tế; Nhà điều hành trung tâm; Nâng cấp khu thể thao, Khu thực nghiệm nông nghiệp. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phê duyệt cho phép Đại học Tây Nguyên đầu tư hạ tầng Khoa Y Dược (tổng mức đầu tư là 38 tỷ đồng) nhằm phát triển Khoa Y Dược theo mục tiêu Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo.
- Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ với tổng mức vốn của Dự án là 105,90 triệu USD trong đó nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản là 89,98 triệu USD, nguồn vốn đối ứng là 15,92 triệu USD. Nội dung đầu tư gồm: Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường năng lực để Trường Đại học Cần Thơ có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan.
Bên cạnh đó, trong những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất với Chính phủ và phối hợp với các Bộ/Ngành ban hành các chính sách, chế độ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm thu hút nhân tài có tâm huyết với ngành giáo dục, những học sinh giỏi, trong đó có các HS khá, giỏi người DTTS vào các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và các chính sách quan tâm tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
[1] Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú; Thông tư số 26/2016/TT-BGDĐT ngày 30/12/2016 về Quy chế tuyển sinh, tổ chức bồi dưỡng, xét chọn và phân bổ vào học trình độ đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đối với học sinh hệ dự bị đại học; Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ngày 12/7/2017 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 30/2017/TT-BGDĐT ngày 05/12/2017 của Bộ GDĐT quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học; Thông tư số 07/2019/TT-BGDĐT ngày 02/5/2019 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương nhân viên giáo vụ trong trường PTDTNT; trường THPT chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập; Thông tư số 08/2019/TT-BGDĐT ngày 02/5/2019 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập; Quyết định số 1719/QĐ-BGDĐT ngày 23/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (giai đoạn 2016 - 2020).
[2] Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy; Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/03/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017; Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017; Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 07/5/2020 ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học và tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2020.