Sau nhiều ngày nghiên cứu và thử nghiệm, ngày 14/4/2020, nhóm học sinh của trường THPT số 1 TP Lào Cai đã chế tạo thành công “Máy ATM gạo” đầu tiên tại tỉnh Lào Cai. Quá trình này nhận được sự cố vấn của sinh viên Vũ Hoàng Long, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hiện nay, “Máy ATM gạo” đã được lắp đặt tại số 250, đường Hoàng Liên thành phố Lào Cai. Nhà trường đồng hành cùng cha mẹ học sinh và các nhà hảo tâm bắt đầu tổ chức phát gạo miễn phí từ ngày 16/4/2020. Tính đến chiều ngày 22/4/2020, cây ATM gạo đã phát tổng số 7 tấn gạo cho người nghèo.
Trưởng nhóm chế tạo, Lê Hoàng Quốc (lớp 12D1) chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài, rất nhiều người đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm. “Nếu có một chiếc máy ATM phát gạo phát miễn phí có thể giúp người nghèo vượt qua được giai đoạn khó khăn này, trước mắt giúp họ duy trì sự sống thì tốt biết mấy”. Xuất phát từ mong muốn này, Quốc và nhóm nghiên cứu đã đề xuất với cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng nhà trường về ý tưởng chế tạo “Máy ATM gạo” để hỗ trợ gạo cho người nghèo. Ý tưởng của nhóm được Ban Giám hiệu nhà trường, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên ủng hộ và huy động cộng đồng chung tay, góp gạo cho chiếc máy đặc biệt này.
Nhà trường yêu cầu, mô hình phát gạo phải văn minh, tiện lợi, nhưng đặc biệt phải đảm bảo an toàn dịch tễ, hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh.
Theo đó, các em đã lập trình thời gian đóng mở van gạo tự động sao cho mỗi lần máy xuất ra được đúng 3kg gạo. Nhóm nghiên cứu cũng tính toán kĩ từ khâu chọn ống nước đủ rộng để lưu lượng gạo chảy với tốc độ vừa phải đến thiết kế chế tạo thử nghiệm và gia công van điện đóng mở để không bị rơi gạo. Bên cạnh đó, việc gia công đóng hộp, đi dây các thiết bị gọn gàng đảm bảo an toàn điện và hợp vệ sinh cũng là một khâu cần phải chú ý.
Cây ATM hoàn thiện với động cơ servo Mg996r, điện áp hoạt động 4.8-7.2v, lực kéo 10kg, nút bấm lấy gạo tự động, còi báo hiệu 5v, đèn led báo hiệu 3.3v.
Hệ thống đã được thử nghiệm nhiều lần và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 16/4/2020. Em Lê Hoàng Quốc cho biết: “Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và nút bấm mini. Mỗi lần nhấn nút, gạo sẽ nhả đúng số lượng 3kg/lần mà mình lập trình sẵn".
Theo quy định, mỗi người dân được hỗ trợ mỗi lần 3kg gạo. Khi đến nhận gạo, người dân phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô được đánh dấu sẵn để đảm bảo đứng cách xa 2,5m.
Hiện dự án đã và đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm, cùng thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Theo cô Hà Thùy Linh – Bí thư Đoàn trường, ngay khi có thông tin quyên góp, một số phụ huynh đã chở hàng tạ gạo đến ủng hộ.
Cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng nhận định: “Mô hình “Máy ATM gạo” tự động phát gạo miễn phí mà các em học sinh chế tạo là một việc làm ý nghĩa và rất cần thiết lúc này. Chúng tôi cảm kích trước tâm huyết của học trò”. Theo cô Tuyết Thanh, nhà trường sẽ đồng hành cùng các em thực hiện dự án này hết tháng 4, sau đó sẽ chuyển giao máy cho đơn vị khác phù hợp hơn và tiếp tục ủng hộ thêm gạo.
Đại diện nhà trường bày tỏ mong muốn, phương châm "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", “Nếu bạn cần, hãy đến lấy, Nếu bạn ổn, hãy nhường người khác. Nếu bạn có, hãy đóng góp thêm!” sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ hơn, nhận được sự đồng lòng, chung tay của các nhà hảo tâm, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh trên mọi miền Tổ quốc.
Được biết, trường THPT số 1 TP Lào Cai đang đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM trong nhà trường để “Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn”. Rất nhiều công trình nghiên cứu của học sinh đã được vận dụng trong đời sống thực tiễn như: máy hút cống tự động; flycam lọc khí bụi; robot thám hiểm di chuyển trên mọi địa hình; robot tháo gỡ bom mìn; robot hỗ trợ bón thức ăn cho người bị bệnh Parkinson bằng công nghệ xử lý ảnh, …
Những bài học về sự sẻ chia trong giáo dục kỹ năng sống của Trường THPT số 1 TP Lào Cai dường như thấm nhuần hơn trong mỗi hành động của học sinh.
“Máy ATM gạo” là một trong những thành quả được nuôi dưỡng từ lòng nhân ái và niềm say mê nghiên cứu khoa học của của thầy trò nhà trường, cộng hưởng với tinh thần chung tay phòng, chống dịch Covid-19 của toàn ngành Giáo dục. Điều này góp phần khích lệ học sinh tiếp tục vừa học vừa hành, chế tạo ra các phương tiện, công cụ hữu ích phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhóm học sinh trong các câu lạc bộ thiện nguyện, câu lạc bộ khoa học, dưới sự cố vấn của giáo viên đã điều chế hơn 2000 chai nước rửa tay khô diệt khuẩn tặng học sinh vùng cao, bộ đội biên phòng tại các chốt chống dịch.