Tổ chức triển khai dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Nhằm giúp học sinh duy trì nền nếp học tập, ôn tập, củng cố kiến thức cũ và tiếp thu kiến thức mới đảm bảo nội dung chương trình năm học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã thực hiện các giải pháp tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong tình hình cao điểm phòng chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, hướng dẫn về dạy học qua internet, trên truyền hình và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ 2 năm học 2019-2020 để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường rà soát, tinh giản các nội dung kiến thức trùng lặp, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề đảm bảo các yêu cầu về nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai việc dạy học qua Intrenet, qua trên truyền hình, thông báo lịch phát sóng cụ thể trên truyền hình đối với từng môn học, lớp học và phổ biến tới toàn thể học sinh, giáo viên và gia đình học sinh. Các nhà trường đã hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi lịch phát sóng các bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương vùng dân tộc, miền núi đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp duy trì nền nếp học tập cho học sinh và tổ chức dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện của địa phương.

Tại tỉnh Tuyên Quang, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề dạy học trực tuyến ôn thi THPT quốc gia năm 2020 cho học sinh lớp 12, phân công các trường THPT Chuyên, PTDTNT Tỉnh, THPT Tân Trào, THPT Nguyễn Văn Huyên, THPT Hàm Yên, THPT Sơn Dương…  xây dựng và thực hiện ghi hình chuyên đề ôn tập cho học sinh 01 chuyên đề/môn học với thời lượng ít nhất 45 phút/chuyên đề.  Sở Giáo dục và Đào tạo đã liên hệ với Viettel Tuyên Quang hỗ trợ các trường về kỹ thuật, khuyến khích học sinh, cha mẹ học sinh vào trang hocmai.vn có hỗ trợ 1000 khóa học trực tuyến miễn phí từ lớp 3 đến lớp 12 để học sinh ôn tập tại nhà. Bên cạnh đó Sở Giáo dục cũng chỉ đạo các nhà trường phát thông báo lịch phát sóng các bài giảng trên truyền hình của Đài truyền hình Hà Nội đến toàn thể giáo viên và học sinh theo dõi. Bên cạnh đó Sở Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức đội ngũ giáo viên cốt cán giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao của các môn học thiết kế bài giảng và thực hiện ghi hình các tiết dạy sau đó đăng các đường link bài giảng trên cổng thông tin điện tử của Sở và yêu cầu các nhà trường gửi các đường link bài giảng đến học sinh thông qua tin nhắn, facebook, viber hoặc zalo. Nhiều giáo viên đã có cách làm sáng tạo như tập thể giáo viên trường PTDTNT Huyện Hàm Yên đã lập các nhóm zalo theo lớp để tiện thông tin đến phụ huynh, học sinh, đồng thời thiết kế và ghi hình các tiết dạy môn học Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 9 đăng trên youtube và gửi đường link lên nhóm zalo của các lớp nhằm giúp học sinh tiếp cận các bài giảng trực tiếp của các thầy cô giáo. Với các giải pháp trên đã góp phần quan trọng vào việc duy trì nền nếp học tập và giúp học sinh ôn tập, bổ sung kiến thức cũng như đảm bảo chương trình học tập trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid 19.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa và Viettel Thanh Hóa xây dựng hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí, gồm: hệ thống VNPT- E-learning có tên miền http://thanhhoa.lms.vnedu.vn và hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy có tên miền http://viettelstudy.vn. Đối với hệ thống VNPT E-Learning, các trường có thể khởi tạo site riêng của trường một cách nhanh chóng mà không cần cài đặt bất kỳ phần mềm nào, sử dụng phần mềm này, giáo viên sẽ có công cụ để quản lý và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh một cách dễ dàng. Các tài liệu học tập sẽ được định dạng như phim, ảnh… và trực tiếp upload lên hệ thống hoặc từ bất cứ nguồn tư liệu sẵn có khác, như: YouTube, Google, Wiki… hoặc website của nhà trường. Với hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy sẽ hỗ trợ học sinh từ cấp tiểu học đến THPT cả về kiến thức và kỹ năng sống. Ứng dụng cung cấp những khóa học căn bản theo khung chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo, giúp học sinh có thể ôn luyện bài học trên lớp, tự đánh giá năng lực và hỗ trợ giáo viên, phụ huynh theo dõi tiến độ học tập của con em mình.

Nghệ An là địa phương có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, một số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn còn chưa có internet và nhiều gia đình học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không có các thiết bị kết nối như máy tính có kết nối internet, điện thoại thông minh. Vì vậy việc học qua internet có thể gặp khó khăn nhưng học qua truyền hình được triển khai khá hiệu quả vì nơi nào có điện là các phần lớn các hộ gia đình đều có tivi nên việc học qua truyền hình sẽ được thực hiện dễ dàng hơn. Để giúp học sinh ôn tập và củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Chương trình “Dạy và học cùng NTV” lần đầu tiên được Sở GD&ĐT và Đài PT-TH Nghệ An phối hợp tổ chức, bắt đầu lên sóng NTV từ ngày 15/3. Cho đến thời điểm này đã có 25 tiết dạy được lên sóng NTV cho cả hai khối lớp 9 và lớp 12, cụ thể (Khối lớp 9; Môn Ngữ Văn 4, Toán 3, Tiếng Anh 3. Khối 12; Ngữ Văn 2, Toán 3, Tiếng Anh 2, Vật Lý 2, Lịch Sử 2, Hóa 1, Địa Lý 1, Sinh Vật 1 và GDCD 1).Việc dạy học trực tuyến trên truyền hình đã giúp các em học sinh hệ thống kiến thức qua các bài ôn tập, rèn luyện kỹ năng, nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Đồng thời còn giúp học sinh phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành đã có thư khen gửi tới cán bộ, giáo viên tham gia dạy học trực tuyến trên Đài Truyền hình Nghệ An, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn Ngành đoàn kết, trách nhiệm, tận tâm, tận tụy, khắc phục mọi khó khăn, đưa ra nhiều giải pháp, cách làm hay, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh và giúp đỡ học sinh, hỗ trợ phụ huynh một cách thiết thực, để các em nắm được những kiến thức cơ bản, tiếp tục học tập tốt khi quay trở lại trường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều trường học tại tỉnh Quảng Trị đã tích cực chủ động triển khai theo các bước: Tổ chuyên môn tiến hành họp tổ, thống nhất chương trình các bài dạy, tiến hành soạn giảng và góp ý bài giảng theo tổ; Bộ phận chuyên môn nhà trường tiến hành xây dựng thời khóa biểu hợp lí, khoa học; Giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn thông qua các kênh thông tin khác nhau để liên lạc với học sinh, cung cấp đầy đủ tài khoản, lịch học, hướng dẫn cách đăng nhập để tham gia học tập…; sử dụng tin nhắn điện tử để thông tin đến phụ huynh học sinh, tạo sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc quản lí học tập của học sinh.

Từ ngày 26/3/2020, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai dạy học trực tuyến bằng các phần mềm ứng dụng Viettel study, Microsoft Team. Trong từng tiết dạy, giáo viên bộ môn đều tiến hành kiểm tra việc tham gia học tập của học sinh qua phiếu điểm danh của Sở. Thông qua việc kiểm tra các tiết dạy nhận thấy, giáo viên đã vận dụng tốt các phần mềm dạy học trực tuyến, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh có hiệu quả tốt; học sinh hứng thú khi tham gia học tập, tích cực trong giờ học và đặc biệt tỉ lệ học sinh tham gia học tập tất cao; Theo tổng hợp của một số trường, có nhiều tiết học học sinh tham gia 100%, thậm chí có học sinh các lớp khác vào tham gia học cùng.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, ngành GDĐT tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn đối với các cơ sở giáo dục, chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân trong công tác phòng dịch, chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng phương án điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp khung thời gian năm học và đảm bảo chất lượng dạy học, chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phối hợp VNPT và Viettel Đắk Lắk trong việc cung cấp phần mềm hỗ trợ học trực tuyến miễn phí cho các trường học, hướng dẫn các cơ sở giáo dục lựa chọn, sử dụng công cụ dạy học qua internet phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình địa phương tỉnh Đắk Lắk. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các trường thực hiện soát, tinh giảm nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học qua internet và lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường, phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các bài học qua internet; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Bên cạnh đó Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các nhà trường thực hiện hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học do Bộ GDĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia kênh VTV7 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường thực hiện rà soát, tinh giảm nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch,  lựa chọn công cụ dạy học và tổ chức dạy học qua internet một cách phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng nhà trường. Các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các bài học qua internet, phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý hoạt động học tập của học sinh qua internet và học trên truyền hình. Đội ngũ cán bộ quản lý của các trường thực hiện hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học trên Kênh truyền hình giáo dục quốc gia kênh VTV7 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thể nói, việc dạy và học trực tuyến là hình thức khá mới mẻ đối giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, hợp lí và hiệu quả, việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đang được khẩn trương triển khai thực hiện và bước đầu có kết quả khá tốt ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Giáo dục.

Vụ Giáo dục Dân tộc