Duy trì nền nếp học tập cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp

Để giúp các em học sinh duy trì được nền nếp học tập và kiến thức trong những ngày nghỉ học để phòng, chống dịch Covid–19, đội ngũ giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Hiện nay, ở vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi việc việc giao bài tập, hướng dẫn ôn tập và dạy học trực tuyến trong những ngày học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid–19 gặp nhiều khó khăn do khoảng cách giao thông cách trở, địa hình phức tạp, việc kết nối internet không thực hiện được, nhiều gia đình học sinh không có các thiết bị, phương tiện kết nối như điện thoại thông minh, máy tính… 


Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, Thị Xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái dạy học qua Internet

 Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ năm học, trong thời điểm học sinh phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có nhiều biện pháp để duy trì nhiệm vụ giáo dục và nền nếp học tập, rèn kỹ năng tự học của học sinh.

Thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, đã chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà, khuyến khích nhà trường tổ chức các hình thức giao bài phong phú là các biện pháp duy việc học không bị gián đoạn của trong kỳ nghỉ dài phòng dịch Covid-19. Theo đó, đối với bậc mầm non, các nhà trường hỗ trợ tư vấn phụ huynh hàng ngày hướng dẫn con tại nhà như: dạy trẻ các kỹ năng vệ sinh cá nhân, tự phục vụ, tự bảo vệ sức khỏe phòng chống dịch bệnh; giáo viên lựa chọn bài thơ, bài hát, câu chuyện kể... phù hợp với lứa tuổi. Đối với bậc tiểu học, tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức đã học, rèn kĩ năng (viết, làm toán, vẽ, nặn...); nội dung, mức độ phải phù hợp đối tượng, không gây áp lực, quá tải cho học sinh. Bậc THCS, các tổ chuyên môn xây dựng nội dung hướng dẫn tự học của từng môn học, giúp học sinh ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng tự học. Nội dung đều đảm bảo các yêu cầu như tóm tắt kiến thức trọng tâm, ví dụ minh họa, bài tập vận dụng, câu hỏi kiểm tra, đánh giá. Đối với học sinh lớp 9, hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra theo các chuyên đề ôn thi tuyển sinh THPT. 

Bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Giáo viên thực hiện giao bài, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh và đánh giá kết quả học tập qua các phương tiện công nghệ thông tin như: zalo, facebook, email, tin nhắn, Messenger, trang mạng trường học kết nối, phần mềm hỗ trợ dạy và học trực tuyến (viettelstudy, bigben, hocmai, tuyensinh247...). Đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, các nhà trường đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương chuyển trực tiếp nhiệm vụ học tập đến từng học sinh 1 lần/tuần. Đến nay 100% học sinh của thị xã Nghĩa Lộ được phát phiếu bài tập".

Một số địa phương khác cũng có cách làm tương tự: Bà Y Sương, Phó Phòng GD&ĐT huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: “Hỗ trợ học sinh học tập tại nhà về nội dung kiến thức tiểu học tập trung ôn tập môn Toán và môn Tiếng Việt. Còn đối với học sinh cấp THCS thì lựa chọn những bộ môn phù hợp với điều kiện của nhà trường. Khung kiến thức tập trung ôn tập được học đầu học kỳ hai và những nội dung trọng tâm cơ bản của học kỳ 1”.

Từ đầu tháng 3/2020, trước tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, sau khi Việt Nam xác nhận ca nhiễm bệnh thứ 17 tại Hà Nội, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến lớp 9 nghỉ học để phòng, chống dịch. Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường không thực hiện giao bài trực tiếp đến gia đình học sinh để hạn chế việc tiếp xúc nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh. Vì vậy việc giao bài, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh và đánh giá kết quả học tập qua các phương tiện công nghệ thông tin như: zalo, facebook, email, tin nhắn, Messenger được sử dụng phổ biến. Đặc biệt nhiều địa phương đã thực hiện việc dạy học và ôn luyện các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9 trên truyền hình nhằm đáp ứng nhu cầu ôn luyện và đảm bảo kiến thức cho học sinh phục vụ kỳ thi vào lớp 10. Chỉ đạo các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện tế, ngoài các công cụ, phần mềm đang sử dụng, có thể tổ chức các hoạt động học tập trực tuyến cho học sinh qua địa chỉ https://olm.vn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia VTV7 hoặc các kênh: VTC11, VTC8, HTV…; các trang http://chinhphuckythivtv7.vtv.vn/http://hanoitv.vn/hoc-tren-truyen-hinh-cv400/;  http://namdinh.edu.vn; ứng dụng VTC Now thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, kho bài giảng E-Learning của Bộ GDĐT tại địa chỉ https://elearning.moet.edu.vn… Xây dựng thời khóa biểu, phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình;

Đối với các trường PTDTNT cấp THPT, nhiều trường đã cho học sinh đi học trở lại từ ngày 02/3/2020. Để đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại lớp học sau thời gian nghỉ phòng chống dịch, các trường đã huy động giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia tổng vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khuôn viên, các phòng lớp học, phòng chức năng, căng tin, phòng nội trú; lau rửa sạch sẽ toàn bộ bàn ghế, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, cửa sổ, cửa ra vào, đồ điện... bằng các loại dung dịch vệ sinh sát khuẩn. Đồng thời thực hiện quét dọn toàn bộ hành lang, cầu thang, sân vườn, thu gom rác thải, đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay; đồng thời theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh… để các em có môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn và lành mạnh.

Các trường đã tiến hành rà soát tiến độ chương trình các môn học, căn cứ số tiết chậm của các bộ môn, nhà trường sẽ lên thời khóa biểu điều chỉnh chương trình học cho phù hợp. Để hạn chế tối đa việc tiếp xúc đông người, các trường thực hiện dạy học 01 buổi/ngày, không tổ chức chào cờ, không tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng như các hoạt động rải nghiệm, tham quan, dã ngoại. Ngoài thời gian học tập trên lớp các thầy cô giáo thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, hướng dẫn các em tự học và nhắc nhở các em thực hiện vệ sinh sạch sẽ tại nơi học tập, sinh hoạt.

Với sự chỉ đạo sát sao của ngành cùng những nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, sự khắc phục của học sinh và sự phối hợp của già làng, trưởng bản, tổ chức đoàn Thanh niên cũng như cha mẹ học sinh nên mặc dù không tới trường học tập trung nhưng nhiệm vụ học tập của các em phần nào vẫn được duy trì, bảo đảm. 

Vụ Giáo dục Dân tộc