Đưa Tiếng Đức vào giảng dạy tại các trường khối Giáo dục Chuyên nghiệp có đào tạo nhóm ngành sức khỏe

Ngày 26/07/2016 Viện Goethe Việt Nam đã gửi thông tin chính thức cho Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (GDCN), Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) về chương trình nhằm tiếp tục hỗ trợ việc đưa tiếng Đức vào giảng dạy trong khuôn khổ đối tác chiến lược giữa Cộng hòa Liên Bang Đức và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam nhằm tạo đầu ra cho sinh viên ngành Điều dưỡng của bậc học giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp có cơ hội đi tu nghiệp, tìm kiếm việc làm và lập nghiệp tại CHLB Đức.

Sau khi thí điểm đưa tiếng Đức vào giảng dạy cho sinh viên ngành Điều dưỡng của 5 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam trong năm học 2014-2015, Vụ GDCN, Bộ GDĐT tiếp tục phối hợp với Viện Goethe Việt Nam lựa chọn 8 trường cao đẳng y tế (CĐYT) có đào tạo ngành Điều dưỡng để tiếp tục triển khai dự án đưa tiếng Đức vào giảng dạy trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trường  CĐYT  Thái Nguyên, Trường CĐYT Ninh Bình, Trường CĐYT Quảng Ninh, Trường CĐYT Phú Thọ, Trường Cao đẳng  ASEAN, Trường CĐYT Huế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường CĐYT Đồng Nai.

Từ 05/9/2016 đến 09/04/2017, Viện Goethe Việt Nam sẽ đào tạo tiếng Đức từ trình độ A1 đến B1 cho 16 giáo viên cơ hữu của 8 trường cao đẳng nói trên với mục tiêu giáo viên đạt được trình độ tiếng Đức B1 theo Khung năng lực chung của châu Âu về ngôn ngữ và học bổ sung kiến thức sư phạm về giảng dạy tiếng Đức như một ngoại ngữ. Sau khi kết thúc khóa học, 4/16 giáo viên hoàn thành tốt nhất khóa đào tạo tiếng Đức sẽ nhận học bổng khóa học tiếng kéo dài 8 tuần tại viện Goethe CHLB Đức. Đến tháng 9/2017, các giáo viên trở về trường và bắt đầu giảng dạy tiếng Đức như một môn học chính tại 8 trường tham gia dự án.

Để chương trình đào tạo giáo viên tiếng Đức diễn ra được nghiêm túc và có hiệu quả cao, Viện Goethe Việt Nam sẽ kí kết cam kết hợp tác và cam kết trách nhiệm với các trường tham gia dự án. Viện Goethe Việt Nam cam kết đảm nhận chi phí cho khóa học tiếng Đức đến hết trình độ B1, chi phí cho giáo trình, tài liệu học tập, chi phí tổ chức thi lấy bằng (A2 và B1), chi phí đi lại cho học viên (hai lần đi và về từ địa phương đến cơ sở đào tạo), chi phí thuê phòng học và các trang thiết bị cho phòng học. Các trường tham gia dự án có trách nhiệm chi trả lương cho giáo viên tham gia dự án và chi phí cho phòng ở và sinh hoạt (ăn sáng, trưa, tối) cho hai giáo viên của trường.

Trong quá trình triển khai dự án, Vụ GDCN, Bộ GDĐT và Viện Goethe Việt Nam sẽ nghiên cứu để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình vào các năm học sau.

Phạm Thị Hoa - Chuyên viên Vụ GDCN