Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm năm học 2016-2017 khối giáo dục chuyên nghiệp

Ngày 26/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 khối giáo dục chuyên nghiệp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện một số vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ, đại diện một số trường trung cấp chuyên nghiệp.


Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của khối Giáo dục Chuyên nghiệp.

Những việc đã làm được

Năm học 2015-2016, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp đã được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt; công tác phân luồng đã cho thấy dấu hiệu tốt (số thí sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là 30.907 học sinh, chiếm 22%, tăng hơn 10.000 so với năm 2014).

Công tác tổ chức đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực đã được triển khai trong năm học vừa qua ở một số cơ sở đào tạo, từ việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả người học theo chuẩn năng lực thực hiện. Việc thí điểm chương trình đào tạo THCN theo hướng tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp và Bỉ được thực hiện tốt.

Ngoài ra, việc đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra với sự tham gia của người sử dụng lao động đã hạn chế tình trạng bỏ học sau năm thứ nhất. Nhiều trường đã áp dụng công nghệ đào tạo, mở nhiều khóa học đào tạo kỹ năng ngắn hạn cho người lao động, giúp cải thiện cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập.

Hạn chế trong công tác phân luồng, tuyển sinh TCCN

Năm học 2015-2016, công tác tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm học trước. Số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo TCCN trong năm 2015 là 143.135 học sinh, đạt 51% so với 280.640 tổng chỉ tiêu được xác định. Nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh TCCN trong năm 2015.

Đánh giá chung, công tác phân luồng học sinh sau THCS  vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng đúng mức; thiếu các chính sách, cơ chế và thiếu sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và địa phương để khuyến khích người học tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên kết quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp còn rất hạn chế.

Theo ông Vũ Văn Trà, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng: Vấn đề nằm ở giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu có chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, thực hiện điều tiết ngay từ chỉ tiêu vào THPT và chỉ tiêu vào ĐH, CĐ sẽ thực hiện được phân luồng và tránh lãng phí trong đào tạo…

Cho rằng cần có chính sách mạnh mẽ hơn với phân luồng, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhấn mạnh: Nếu không có quyết sách lớn, việc phân luồng của chúng ta sẽ dễ bị phá vỡ. Bên cạnh đó, vị đại diện này bày tỏ cần kiên quyết thực hiện đến năm 2017, các trường ĐH không đào tạo TCCN, tiến tới dần giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN ở trường CĐ.

Cần nâng cao vị thế của giáo dục chuyên nghiệp

Sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, việc thống nhất trong quản lý đang là bài toán khó được hầu hết các địa phương đặt ra. Trong đó, đại diện của hai địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh cần đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Nhấn mạnh giáo dục chuyên nghiệp hay giáo dục CĐ, ĐH, dạy nghề đều là giáo dục nghề nghiệp, các địa phương tham gia hội nghị trực tuyến chung quan điểm: tránh xé lẻ mà nên hướng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục chuyên nghiệp về một đầu mối và Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý.

Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp thể hiện mong mỏi trong việc nâng cao vị thế của giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời chia sẻ các giải pháp phát triển qui mô, nâng cao chất lượng đào tạo TCCN, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và việc làm; mở rộng hội nhập quốc tế;


Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu kết luận Hội nghị.

Định hướng cho giáo dục chuyên nghiệp

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Quan điểm của Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là cấp bậc học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh cần phải cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, người sử dụng lao động là điều không thể thiếu trong đào tạo TCCN.

Về vấn đề phân luồng, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện quy hoạch toàn hệ thống, cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. “Bộ GD&ĐT đang đặc biệt quan tâm đến quy hoạch và đây là 1 trong 8 nhiệm vụ trọng tâm cho Ngành mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đặt ra. Có như vậy mới xử lý được về cơ bản vấn đề phân luồng, cơ cấu nhân lực…” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, theo Thứ trưởng, hiện nay, khi xây dựng khung trình độ quốc gia, chúng ta sẽ bàn lại cơ cấu hệ thống, để làm sao hệ thống TCCN phát triển và đào tạo đúng lực lượng lao động có kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động hiện nay. Khi đó, tên bằng cấp không mang nhiều nội hàm về ý nghĩa giá trị.

Khẳng định cần thống nhất quản lý nhà nước về hệ thống giáo dục quốc dân, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu rõ: Nếu không có sự thống nhất này, việc quy hoạch, điều tiết hệ thống giáo dục quốc dân để phân luồng, tạo cơ cấu nhân lực hài hòa theo yêu cầu phát triển đất nước sẽ khó thực hiện được. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, không nhầm lẫn giữa khái niệm quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản.

“Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức trình Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng về việc này và đang chờ ý kiến trả lời chính thức sau khi Chính phủ quyết định. Trước mặt, trong khi chờ đợi, việc quản lý vẫn tiến hành như cũ” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục