“Hội nhập quốc tế - con đường tất yếu của giáo dục đại học thời đại toàn cầu hóa”

Đó là phát biểu của PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM tại Hội thảo “Hội nhập quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục đại học Việt Nam” ngày 8/6/2014. Ông cho rằng, hơn lúc nào hết, trong một thế giới ngày càng “phẳng” thì giáo dục đại học ngày càng trở nên quan trọng và tất yếu phải gắn liền với hội nhập quốc tế.

 

 

 
PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG-HCM nhấn mạnh đến vai trò GDĐH trong hội nhập quốc tế.

 

Hội thảo do ĐHQG-HCM phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đại học ở trong và ngoài nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế ngay từ ngày đầu thành lập, suốt gần 20 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM đã định hướng triển khai tư duy này trong tất cả các hoạt động của ĐHQG-HCM như quản trị, đào tạo, phát triển đội ngũ, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế. Tầm nhìn chiến lược này đã giúp ĐHQG-HCM thu được nhiều thành quả, góp phần khẳng định vai trò nòng cốt của ĐHQG-HCM trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM đã chia sẻ những kinh nghiệm của ĐHQG-HCM trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời đề xuất các giải pháp liên quan, trong đó nhấn mạnh đến việc cần phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở đào tạo trước hết là trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Giải pháp này cũng là điểm mạnh giúp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phát triển, Giáo sư Tan Eng Chye – Phó Giám đốc NUS cho biết. Ông nói thêm, ngoài cơ chế tự chủ cao, NUS còn có điều kiện thuận lợi khi được sự phối hợp của các doanh nghiệp và hỗ trợ từ nhà nước.

Để đổi mới giáo dục - hội nhập quốc tế, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng có hai ý tưởng quan trọng nên học tập từ Hoa Kỳ là vấn đề phân tầng hệ thống giáo dục đại học và quản lý đầu tư nghiên cứu. Hai ý tưởng này đã được Giáo sư phân tích sâu và đề xuất: “ Thông qua bài học từ Hoa Kỳ, nước ta nên có biện pháp hợp nhất hay giảm sự tách biệt giữa hệ thống nghiên cứu và hệ thống GDĐH, ưu tiên tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu có đào tạo. Đồng thời tăng tính công khai, công bằng, dân chủ, khách quan của quá trình tuyển chọn và đánh giá kết quả nghiên cứu, các quá trình đó phải có tính cạnh tranh cao do các đồng nghiệp xem xét độc lập chỉ trên cơ sở trình độ khoa học chứ không phải dựa vào chính trị hoặc thương mại. Bên cạnh đó, nên mở rộng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, làm cho Quỹ trở thành nguồn kinh phí chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ”.

Cũng trong mạch nguồn đó, để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng hội nhập, GS. Phạm Phụ nhấn mạnh đến vấn đề cải cách tài chính đại học, trong khi đó PGS.TS Trần Chí Đáo cho rằng “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy đổi mới và đổi mới thành công sẽ hội nhập có hiệu quả”; còn PGS.TS Nguyễn Tấn Phát đề cập đến sự chuyển dịch tư duy trong lĩnh vực hợp tác – hội nhập của GDĐH Việt Nam với quốc tế.

Bên cạnh các báo cáo tại phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe 10 tham luận và thảo luận ở hai phân ban với các chủ đề : “Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực: đào tạo, NCKH và chuyển giao công nghệ” và “Các yếu tố tác động đến quá trình hội nhập quốc tế của GDĐH Việt Nam: chính sách, mô hình quản lý, điều kiện đảm bảo”.

Kết luận Hội nghị, PGS.TS Phan Thanh Bình nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là quá trình tất yếu và trong giáo dục, vấn đề này cần phải được quan tâm hơn nữa. Trong giáo dục, hội nhập quốc tế đặt ra các vấn đề về chất lượng đào tạo, cạnh tranh gắn liền với hợp tác; hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình có tính quốc tế đồng thời phải có sự hợp tác mạnh mẽ trong cộng đồng nhân dân. Và để hội nhập quốc tế tốt, ông nhấn mạnh đến 5 vấn đề: quản trị đại học, chất lượng đào tạo, nguồn lực, văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh.

Ban tổ chức cho biết, Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động chào mừng ĐHQG-HCM 20 năm xây dựng - Phát triển – Hội nhập (27/1/1995- 27/1/2015).

 
 
Giáo sư Tan Eng Chye – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Singapore (NUS)
chia sẻ kinh nghiệm hội nhập ở NUS.
 
TS. Choltis Dhirathiti, Phó Giám đốc Điều hành AUN
phân tích các thách thức của hội nhập quốc tế đối với các trường đại học Khu vực Đông Nam Á.
 
Giáo sư Lâm Quang Thiệp trình bày các ý tưởng cần học của Hoa Kỳ.
 
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên.
 
 
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, quản lý giáo dục ở trong và ngoài nước.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
cho rằng nội dung hội thảo rất chất lượng với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn.

Toàn cảnh Hội thảo.
 
 
 

(http://vnu20.vnuhcm.edu.vn/)