Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh (Hà Nội)
 |
Thầy Đào Tuấn Đạt.
|
Từ thất bại trong việc dạy phân ban nhiều năm qua, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt kịp được xu hướng tiến bộ hiện nay là dạy học tự chọn và chương trình học vừa tích hợp vừa phân hóa. Đây là hai điểm quan trọng nhất của đề án đổi mới này.
Ở nước ta, giáo dục ngày xưa thiên về đạo lý - văn chương. Sau đó trong một thời gian dài nhà trường thả nổi việc dạy đạo lý. Chương trình giáo dục mới đã chú ý đến việc này. Đây là một điểm cộng cho chương trình mới trong việc "quay về học người xưa".
Mặc dù vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới dù chuyển sang tự chọn, tích hợp và phân hóa nhưng vẫn thấy đâu đó bóng dáng của phân ban ở chỗ học sinh vẫn phải học nhiều môn tự chọn. Chẳng hạn lớp 10, 11 với 4 môn tự chọn, lớp 12 với 3 môn tự chọn là quá nhiều.
Với trung bình 3 tiết một tuần cho một môn tự chọn là quá ít để học hành đến đầu đến đũa. Cần phải tập trung thời gian cho một hoặc hai môn tự chọn thế mạnh và liên quan đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này của học sinh. Số môn tự chọn của 3 lớp 10, 11, 12 nên như nhau. Lớp 10, 11 học 4 môn, lên lớp 12 còn 3 môn. Vậy tại sao lại bỏ một môn?
Theo tôi nên chuyển hẳn sang chế độ học tín chỉ. Như thế dễ hiểu, dễ quản lý và tổ chức lớp học tự chọn, mềm hóa được ranh giới không cần thiết giữa lớp 10, 11, 12, tạo điều kiện cho học sinh có thể hoàn thành sớm chương trình.
 |
Cô Nguyễn Thị Nhiếp.
|
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Phan Huy Chú (Hà Nội)
Tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần đổi mới của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ Giáo dục vừa công bố. Để học sinh được tự chọn môn học là xu hướng các nước trên thế giới đã và đang áp dụng, lẽ ra Việt Nam cần thực hiện từ lâu, nhưng bây giờ cũng chưa muộn.
Mỗi học sinh có năng khiếu, khả năng ở từng lĩnh vực khác nhau, vì vậy chủ trương để các em tự lựa chọn môn học theo sở trường là tạo điều kiện để các em đến gần hơn với ước mơ, nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.
Trường Phan Huy Chú nhiều năm nay đã tổ chức tư vấn cho học sinh, cho các em làm bài trắc nghiệm Holland để xác định sở thích, năng khiếu nhằm hướng nghiệp. Các hoạt động này được làm từ khi học sinh bước vào lớp 10, thực hiện liên tục trong cả lớp 11 và 12, làm căn cứ cho các em lựa chọn môn học chính xác. Ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vẫn là bắt buộc.
Sẽ có một số thầy cô lo ngại rằng dạy tích hợp, liên môn sẽ gây khó khăn cho các nhà trường và một thầy không thể dạy được cả nội dung Toán, Hoá, Sinh, nhưng tôi cho rằng điều đó không đáng ngại. Bộ Giáo dục không quy định một môn tích hợp chỉ được một giáo viên dạy, mà có thể phần liên quan đến Toán thì giáo viên Toán dạy, Sinh thì giáo viên Sinh dạy. Hơn nữa, giáo viên trước đây cũng được đào tạo bài bản ở những môn theo khối tự nhiên, hoặc xã hội, hoàn toàn có khả năng để giảng dạy tích hợp. Phải làm mới thành công, chứ không thể ngồi và kêu khó.
 |
Cô Nguyễn Thị Thuý Anh.
|
Cô Nguyễn Thị Thuý Anh, Hiệu trưởng THPT Yên Hoà (Hà Nội)
Tôi cho rằng về lý thuyết, thay đổi chương trình giáo dục phổ thông như Bộ Giáo dục nêu trong dự thảo là đúng đắn và thể hiện giáo dục Việt Nam đang đi đúng hướng, gần hơn với thế giới.
Rõ ràng việc để học sinh tự chọn môn học là tốt, suy từ bản thân ra, nếu được học những môn mình thích như Vẽ, Âm nhạc, Văn học... thì sẽ thấy vui vẻ và say mê. Tuy nhiên, thực tế xã hội, nhu cầu việc làm đã khiến một số người phải lựa chọn những môn học không như mong muốn.
Tôi ủng hộ thay đổi như dự thảo, tuy nhiên cần có nghiên cứu cẩn thận hơn, xem thay đổi chương trình như thế là gần với giáo dục nước nào nhất, từ đó học hỏi kinh nghiệm của họ. Đồng thời, phải xem thay đổi nhưng sẽ có bao nhiêu học sinh lựa chọn như mong muốn, và cần có thay đổi đồng bộ trong cả giáo dục đại học, nghề nghiệp.
 |
Anh Hoàng Tùng.
|
Anh Hoàng Tùng, Giám đốc điều hành trường tiểu học song ngữ Brendon
Trong một thời gian đủ dài với nhiều đóng góp, tham luận của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, tôi thấy dự thảo đã nêu được đầy đủ những điểm "thiếu" của giáo dục phổ thông.
Với xu hướng toàn cầu hoá, chúng ta ngày càng cạnh tranh về chất lượng nhân sự, do vậy việc đổi mới giáo dục là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Việc đưa ra dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông thời điểm hiện tại là vô cùng quan trọng.
Dự thảo đưa ra các môn học tự chọn cho học sinh THPT là khá hợp lý, phù hợp với xu hướng giáo dục chung các nước Á Đông. Việc tập trung hơn cho các bộ môn Văn - Thể - Mỹ ở các bậc Tiểu học và THCS nhằm rèn luyện con người toàn diện hơn cũng phù hợp với giáo dục chung toàn cầu, đồng thời rất quan trọng với mỗi học sinh.
Đối với cấp tiểu học, cấp nền tảng để phát triển cho hệ thống giáo dục phổ thông, theo tôi nên phân thời lượng nhiều hơn cho giáo dục lịch sử địa phương, để học sinh nắm rõ hơn về lịch sử đặc thù của nơi các em đang sống. Đồng thời, chia thêm thời lượng để hướng dẫn thực hành, tìm hiểu về tự nhiên xã hội như tổ chức tìm hiểu kỹ môi trường sống xung quanh.
Có lẽ chúng ta cần đưa các hoạt động thể thao, xã hội thành môn học bắt buộc trong giáo dục tiểu học vì qua đó học sinh mới rèn luyện kỹ năng cá nhân và ý thức cộng đồng tốt.
Bên cạnh các kiến thức học và thực hành trên lớp thì tại nhà trường, dự thảo có thể thêm những tiết học cùng cha mẹ về rèn luyện ý thức, kỹ năng và đặc biệt tuân thủ pháp luật tới học sinh các cấp. Việc giáo dục này thường xuyên và chi tiết sẽ mang lại một thay đổi không nhỏ trong lối sống tích cực của các gia đình.
 |
Anh Phạm Hùng Hiệp.
|
Anh Phạm Hùng Hiệp, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan
Việc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phân loại lại hệ thống môn học theo hướng tổng hợp nhiều môn với nhau, có nhiều lựa chọn cho học sinh... là cách tiếp cận đúng, phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại.
Mỗi học sinh, mỗi cá thể có các thiên hướng, sở trường học tập khác nhau; không thể bắt tất cả cùng học một chương trình, một sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy như nhau. Dự thảo đã giải quyết được vấn đề này.
Dự thảo có một điểm chú ý nữa là việc đưa môn Tin học là một trong các môn quan trọng thuộc nhóm Môn học thuộc lĩnh vực giáo dục Công nghệ - Tin học. Trong thời đại ngày nay, hiểu và có thể sử dụng, ứng dụng các thành tựu phát triển của công nghệ thông tin đã trở thành điều kiện tiên quyết để hội nhập với cộng đồng quốc tế.
Một số nhà nghiên cứu giáo dục thậm chí còn đưa ra thuật ngữ "mù tin học" (ICT illiteracy) để nhấn mạnh vào tầm quan trọng của môn học này và cảnh báo những hệ quả, tương tự như vấn nạn "mù chữ" trước kia.
Lan Hạ ghi