Gửi thông tin hỏi đáp

Kiến nghị đảm bảo chất lượng giáo dục

09/09/2020 In bài viết

Do dịch bệnh nên chương trình học của ngành giáo dục cũng bị đình trệ, thời gian kết thúc năm học bị kéo dài; ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình học và học sinh các cấp, đặc biệt đối với các khối học sinh chuyển cấp lớp 9 và lớp 12. Cử tri đề nghị Chính phủ, ngành Giáo dục có các chủ trưởng và giải pháp ứng phó kịp thời để đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như ổn định tâm lý cho học sinh và gia đình.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã mời các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm tiến hành rà soát, nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo nguyên tắc: chỉ điều chỉnh nội dung dạy học với thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020; không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; sử dụng thời gian học sinh đi học trở lại và thời gian đầu của năm học 2020-2021 (nếu cần thiết) để bổ sung các nội dung kiến thức trước khi thực hiện chương trình năm học mới; tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc; tăng cường dạy học qua internet và trên truyền hình.

Để đảm bảo phương châm "học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học", thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học”, Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục vừa tổ chức dạy học vừa đảm bảo phòng chống dịch cho học sinh và giáo viên; đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng của chương trình áp dụng cho học kỳ II năm học 2019-2020.

Trên cơ sở bài giảng trên truyền hình của các địa phương gửi về, Bộ GDĐT tiến hành lựa chọn các bài giảng tổ chức phát lại trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV7 và truyền hình K+) để hỗ trợ các nhà trường tổ chức cho học sinh học tập, bảo đảm mọi học sinh được học tập trong thời gian nghỉ (đặc biệt đối với các vùng khó khăn còn hạn chế về hạ tầng Internet); phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội có biện pháp quản lý hoạt động học tập của học sinh; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.

Bộ GDĐT đã xây dựng và công bố Đề thi tham khảo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 làm căn cứ cho giáo viên và học sinh giảng dạy và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi; trình Thủ tướng Chính phủ phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và phương án xét tuyển sinh đại học năm 2020 bảo đảm gọn nhẹ, an toàn và đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Sau thời gian giãn cách xã hội, các địa phương cho học sinh đi học trở lại, Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường rà soát kết quả học tập của từng học sinh để có kế hoạch hướng dẫn, bổ sung nội dung kiến thức bảo đảm nội dung giáo dục sau khi đã được tinh giản. Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ kết quả học tập của học sinh trong học kỳ II năm học 2019 - 2020 sau khi thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với cấp THCS, THPT thực hiện giảm số đầu điểm kiểm tra phù hợp với chương trình đã tinh giản.

Đối với học sinh lớp 12, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2219/BGDĐT-GDTrH ngày 22/6/2020 về việc tổ chức dạy học và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nội dung ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 theo chương trình giáo dục giáo dục trung học phổ thông, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng; tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập, không gây quá tải đảm bảo sức khỏe của học sinh; tiếp tục tổ chức cho học sinh ôn tập kết hợp giữa hình thức trực tiếp và qua internet, trên truyền hình để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo