Gửi thông tin hỏi đáp

Kiến nghị liên quan tới đào tạo trực tuyến

09/09/2020 In bài viết

Cử tri phản ánh, đợt nghỉ để chống dịch Covid-19 vừa qua đã tạo nên sự gián đoạn không mong muốn tại tất cả các trường học trong toàn quốc nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, bài học cho giáo dục Việt Nam; đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cho nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các hình thức giáo dục trực tuyến đối với học sinh từ khối THCS trở đi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục giảm tải giáo dục đi kèm với giảm tải thời gian học bắt buộc, gói gọn chương trình học bắt buộc trong 1 buổi, thời gian 1 buổi còn lại nên dành cho việc tự học, tự nguyện đăng ký học theo năng khiếu để phát huy tối đa sở trường của học sinh. Bởi khi thời gian học bắt buộc phân bố cả ngày như hiện nay, học sinh ít có thời gian tự tư duy, cha mẹ có biểu hiện phó mặc cho nhà trường. Bên cạnh đó, giảm tải thời gian học bắt buộc sẽ tạo điều kiện phát triển việc giáo dục năng khiếu, kỹ năng sống tại các nhà trường và cơ sở giáo dục tư nhân.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về việc dạy học theo hình thức trực tuyến

Để hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19 năm học 2019 – 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020. Sau thời gian giãn cách xã hội, các địa phương cho học sinh đi học trở lại, Bộ GDĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, nhà trường rà soát kết quả học tập của từng học sinh để có kế hoạch hướng dẫn, bổ sung nội dung kiến thức bảo đảm nội dung giáo dục sau khi đã được tinh giản. Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ kết quả học tập của học sinh trong học kỳ II năm học 2019 - 2020 sau khi thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với cấp THCS, THPT thực hiện giảm số đầu điểm kiểm tra phù hợp với chương trình đã tinh giản.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên và đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT để xin ý kiến góp ý rộng rãi. Khi Thông tư được ban hành việc tổ chức dậy học trực tuyến sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, đồng thời quyền lợi học tập cho học sinh khi tham gia học tập trực tuyến sẽ được đảm bảo và ghi nhận; các cơ sở giáo dục có các cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai hoạt động dạy học trực truyến đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu học tập của học sinh.

2. Về việc giảm tải nội dung dạy học và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày

Việc giảm tải nội dung dạy học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thực hiện trong nhiều năm qua[1]; năm học 2019 -2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đã mời các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm tiến hành rà soát, nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo nguyên tắc: chỉ điều chỉnh nội dung dạy học với thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020; không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; sử dụng thời gian học sinh đi học trở lại và thời gian đầu của năm học 2020-2021 (nếu cần thiết) để bổ sung các nội dung kiến thức trước khi thực hiện chương trình năm học mới; tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc; tăng cường dạy học qua internet và trên truyền hình.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới, bắt đầu từ lớp 1. Đối với các lớp học còn lại, mặc dù chưa áp dụng chương trình mới nhưng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục là phải ứng dụng phương pháp giáo dục mới theo định hướng của Chương trình GDPT mới vào dạy học. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục của các môn học nhằm giảm tải nội dung dạy học, Đồng thời, Bộ GDĐT đã tổ chức các tiểu ban nghiên cứu điều chỉnh nội dung và hướng dẫn dạy học để thực hiện từ năm học 2020-2021. Hướng dẫn này sẽ được sử dụng ổn định trong các năm học tiếp theo cho đến khi các lớp học thực hiện Chương trình GDPT mới.

Việc dạy học 2 buổi/ngày ở trường tiểu học và trung học cơ sở hiện nay nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đảm bảo chất lượng của bậc tiểu học, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc giáo dục trẻ em của gia đình và xã hội, góp phần giải quyết vấn đề quá tải và dạy thêm học thêm tràn lan tiêu cực ở các trường phổ thông. Việc dạy học 2 buổi/ngày chỉ tổ chức ở những nơi có nhu cầu và có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, được sự đồng ý của các cấp quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nội dung buổi thứ 2 cho phù hợp yêu cầu để rèn luyện các kĩ năng, ôn luyện kiến thức, hoạt động vui chơi…và không dạy chương trình mới mà chỉ tổ chức ôn luyện kiến thức cơ bản và các kỹ năng mà buổi sáng các em chưa nắm vững; đồng thời nâng cao và mở rộng kiến thức cho học sinh khá giỏi.

Chương trình GDPT mới ở bậc tiểu học (năm học 2020-2021 sẽ triển khai đại trà ở lớp 1) được thiết kế để dạy 2 buổi/ngày, với thời lượng mỗi ngày không quá 7 tiết học, mỗi tiết không quá 35 phút nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

 


[1] Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ GDĐT  hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT; Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH 03/10/2017 của Bộ GDĐT về việc tiếp tục tinh giản nội dung dạy học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo