Gửi thông tin hỏi đáp

Kiến nghị có lộ trình giảm tải chương trình dạy học

09/09/2020 In bài viết

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có lộ trình giảm tải chương trình dạy học, tránh tình trạng năm 2019-2020 do dịch bệnh giảm tải chương trình, sang năm học 2020-2021 thì không thực hiện; có giải pháp cụ thể cho kỳ thi THPT, đại học, cao đẳng năm học 2019-2020 trong điều kiện bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về giảm tải nội dung dạy học

Việc giảm tải nội dung dạy học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thực hiện trong nhiều năm qua[1]; năm học 2019 -2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đã mời các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm tiến hành rà soát, nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo nguyên tắc: chỉ điều chỉnh nội dung dạy học với thời gian còn lại của năm học 2019 - 2020; không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được tinh giản; sử dụng thời gian học sinh đi học trở lại và thời gian đầu của năm học 2020-2021 (nếu cần thiết) để bổ sung các nội dung kiến thức trước khi thực hiện chương trình năm học mới; tổ chức dạy học các môn tự chọn một cách phù hợp, ưu tiên thời gian tối đa để tổ chức dạy học các môn học bắt buộc; tăng cường dạy học qua internet và trên truyền hình.

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT mới, bắt đầu từ lớp 1. Đối với các lớp học còn lại, mặc dù chưa áp dụng chương trình mới nhưng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục là phải ứng dụng phương pháp giáo dục mới theo định hướng của Chương trình GDPT mới vào dạy học. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các Sở GDĐT tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục của các môn học nhằm giảm tải nội dung dạy học, Đồng thời, Bộ GDĐT đã tổ chức các tiểu ban nghiên cứu điều chỉnh nội dung và hướng dẫn dạy học để thực hiện từ năm học 2020-2021. Hướng dẫn này sẽ được sử dụng ổn định trong các năm học tiếp theo cho đến khi các lớp học thực hiện Chương trình GDPT mới.

2. Về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020

Tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã quyết định triển khai Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (gọi tắt là Kỳ thi) từ năm 2020. Trong đó, Chính phủ giao địa phương chủ trì tổ chức Kỳ thi, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; Bộ GDĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức Kỳ thi tại địa phương đảm bảo “an toàn, nghiêm túc và thành công”. Kỳ thi năm 2020 tiếp tục được tổ chức có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó công tác thanh tra, kiểm tra được xác định góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của Kỳ thi. Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của “ba cấp” thanh tra, kiểm tra gồm Thanh tra của Bộ GDĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc sở GDĐT thực hiện nhiệm vụ ngay từ trước, trong và sau Kỳ thi nhằm kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, uỷ nhiệm của Bộ GDĐT.

Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các khâu của Kỳ thi, đặc biệt là giám sát đảm bảo an toàn, bảo mật trong công tác đề thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả và đánh giá chất lượng giáo dục. Cơ sở dữ liệu người học sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện chỉ đạo thực hiện việc đối sánh công khai kết quả thi của thí sinh với kết quả học tập lớp 12 sẽ là một trong những giải pháp quan trọng chống gian lận, đảm bảo tính khách quan của Kỳ thi.

Các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi và có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh; bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Đợt 1 của Kỳ thi về cơ bản đã được tổ chức an toàn, đáp ứng được mục tiêu kép là vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng... Bộ GDĐT đã xây dựng phương án, sẵn sàng phối hợp với các địa phương để tổ chức thi đợt 2 dành cho các thí sinh chưa tham gia thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo đề xuất của các địa phương sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và điều kiện an toàn cho công tác tổ chức thi được bảo đảm.

3. Về tổ chức xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020

Về cơ bản, việc tổ chức xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019, trong đó hầu hết các trường (chỉ trừ nhóm trường nghệ thuật, mỹ thuât) sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để làm căn cứ xét tuyển sinh. Các nội dung cụ thể thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh năm 2020 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Trước tình hình một số địa phương chưa tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một số học sinh chưa tham gia thi đợt 1 năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện phân bổ tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý và xét tuyển riêng cho các thí sinh chưa tham dự Kỳ thi đợt 1. Bộ GDĐT cũng lưu ý điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi đợt 2 phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi đợt 1.

 


[1] Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ GDĐT  hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT; Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH 03/10/2017 của Bộ GDĐT về việc tiếp tục tinh giản nội dung dạy học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo