Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Đối với giáo dục đại học, việc triển khai đào tạo trực tuyến ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã cho thấy các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã nhanh chóng triển khai chuyển đổi sang phương thức đào tạo trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác đào tạo từ xa (ĐTTX) ứng phó dịch Covid-19 và Công văn số 988/BGDĐT-GDĐH ngày 23/3/2020 về việc bảo đảm chất lượng ĐTTX trong thời gian phòng chống dịch Covid-19). Bên cạnh đó Bộ GDĐT cũng đã triển khai tổ chức 02 hội nghị trực tuyến: Hội nghị đào tạo trực tuyến (ĐTTT) trong dịch Covid-19 và Hội nghị trực tuyến đánh giá chất lượng dạy học qua Internet và trên truyền hình. Một số ý kiến đánh giá phản hồi từ các cơ sở đào tạo cho thấy mô hình tổ chức dạy học trực tuyến được triển khai hiệu quả ở một số cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm về triển khai công tác ĐTTX, ĐTTT, đặc biệt trong thời gian ứng phó dịch Covid-19. Một số cơ sở đào tạo cũng đã tích cực đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ ĐTTT từ các công ty, cơ sở đào tạo đã có hệ thống ĐTTX để triển khai chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang ĐTTT.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ triển khai đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức ĐTTT để có chính sách phù hợp cho các cơ sở đào tạo có thể chuyển đổi sang mô hình đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm khai thác tối đa các ưu điểm của các hình thức đào tạo này.
2. Đối với giáo dục phổ thông, thời gian qua, để đối phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ GDĐT đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc dạy - học từ xa qua truyền hình, trực tuyến qua mạng Internet; hướng dẫn xây dựng chương trình, học liệu, tổ chức giảng dạy, đánh giá công nhận kết quả và huy động các nguồn lực xã hội hóa tham gia đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cần thiết. Cụ thể như, cho phép các cơ sở giáo dục được áp dụng các hình thức dạy học qua Internet khi học sinh nghỉ học do dịch Covid-19, khi học sinh quay trở lại trường học, nhà trường tổ chức đánh giá và công nhận kết quả học tập qua các hình thức từ xa (văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH và số 1061/BGDĐT-GDTrH); đóng góp xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành (văn bản số 1007/BGDĐT-GDTrH); hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua Internet (văn bản số 1247/BGDĐT-GDCTHSSV). Đánh giá bước đầu cho thấy, chất lượng và tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến không đồng đều giữa các địa phương (tỉ lệ cao hơn các thành phố, vùng đồng bằng), giữa các bậc học (tăng dần từ tiểu học, THCS đến THPT), giữa các khối học (tỉ lệ cuối cấp lớp 9 và lớp 12 tăng vọt do áp lực thi cử), giữa các môn học (hiện tập trung nhiều ở các môn Toán, Văn, tiếng Anh) và giữa các trường công lập, tư thục (các trường tư có điều kiện hơn các trường công lập). Có thể nói, việc dạy học trực tuyến trong thời gian vừa qua mặc dù đã đáp ứng phần nào chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng học”, cải thiện khả năng ứng dụng CNTT của giáo viên và tính tự giác – tự học của học sinh, tuy nhiên hiệu quả không đồng đều.
Để phát huy thế mạnh của dạy và học trực tuyến, Bộ GDĐT đã tiến hành khảo sát và xây dựng dự thảo Thông tư quy định các việc dạy học trực tuyến trong trường phổ thông để hướng dẫn các địa phương, nhà trường chủ động áp dụng hình thức này phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Dự kiến Thông tư sẽ hoàn thiện và ban hành áp dụng từ năm học mới. Theo đó, dạy - học trực tuyến được như một phần của hoạt động dạy - học (không chỉ là giải pháp tình thế), có các mức độ ứng dụng phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông.