Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Hiện tại, các chính sách về chế độ tiền lương của nhà giáo được thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ. Lương của nhà giáo được áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học được áp dụng bảng lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06); giáo viên trung học cơ sở áp dụng bảng lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89); giáo viên trung học phổ thông áp dụng bảng lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).
Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020) quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là cao đẳng; tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông là đại học. Theo đó, lương khởi điểm của giáo viên mầm non sẽ được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89); giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98). Như vậy, về áp dụng bảng lương, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (theo trình độ chuẩn được đào tạo trong Luật Giáo dục 2019) đã có sự thay đổi đáng kể về hệ số lương khởi điểm và mức trần của hệ số lương.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ về chính sách tiền lương mới ngành Giáo dục, theo đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo