Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 (Nghị quyết 51); Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018; chỉ đạo các nhà xuất bản tổ chức biên soạn sách giáo khoa[1] hoàn thiện các bản mẫu sách giáo khoa theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 12 năm 2017; tổ chức thẩm định, phê duyệt đưa vào sử dụng 38 cuốn sách giáo khoa của các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình lớp 1, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và yêu cầu một chương trình nhiều sách giáo khoa.
Về việc thay sách giáo khoa: Chương trình và sách giáo khoa hiện hành được thực hiện theo Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 ngày 09/12/2000. Trong quá trình thực hiện, nội dung sách giáo khoa hiện hành được chỉnh sửa, bổ sung những thông tin cập nhật trong những lần tái bản nhưng trong suốt gần 20 năm qua nước ta chưa có lần thay đổi sách giáo khoa nào. Đến nay, theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ lớp 1. Đến nay, việc chuẩn bị sách giáo khoa lớp 1 đã bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình mới từ năm học 2020 - 2021.
Thực hiện Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục tổ chức mời tác giả để tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng sách giáo khoa theo lộ trình triển khai chương trình mới tại Nghị quyết 51.
Về thí điểm một số mô hình giáo dục và đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia:
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm một số mô hình, phương pháp dạy học mới như: Mô hình trường học mới (VNEN), Phương pháp "bàn tay nặn bột", Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục... Kết quả thí điểm một số mô hình, phương pháp giáo dục đã thực hiện đều được tổng kết, đánh giá và là những bài học kinh nghiệm đáng quý giúp cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đổi mới theo hướng tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và là căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng. Kết quả đổi mới thi cơ bản đã thành công, làm giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; kết quả thi đảm bảo khách quan, công bằng, có độ tin cậy và minh bạch hơn cho thí sinh; đồng thời dần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ ở trường phổ thông và hiện tượng luyện thi tràn lan. Những sai phạm phát hiện trong Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở một số địa phương năm 2018 đã được xác định rõ nguyên nhân và đã được khắc phục triệt để trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
[1] Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh).