Gửi thông tin hỏi đáp

Liên quan đến giáo dục đại học

04/05/2020 In bài viết

Cử tri phản ánh, thời gian qua việc cho phép thành lập và mở ngành đào tạo y, dược tràn lan tại các trường đại học, trong đó có các trường tư thục, dẫn đến chất lượng bác sĩ, dược sĩ, y sĩ không đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT, ngày 06 tháng 9 năm 2017 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, trình độ thạc sỹ và trình độ đại học. Trong Điều 2 và Điều 3 của cả 2 Thông tư trên đã quy định điều kiện mở ngành các trình độ và có quy định riêng cụ thể cho các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành sức khỏe (về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu đứng tên mở ngành; về cơ sở vật chất tại cơ sở đào tạo và ngoài cơ sở đào tạo), đặc biệt là các điều kiện về người hướng dẫn thực hành và điều kiện cơ sở thực hành. Cụ thể:

- Những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các ngành về khoa học sức khoẻ trong các văn bản nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều đã thống nhất với Bộ Y tế trước khi ban hành. Ngoài ra, để cho phép cơ sở đào tạo mở ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đề nghị cơ sở đào tạo phải xin ý kiến của Bộ Y tế về chủ trương đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng và địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học đặt trụ sở đào tạo.

- Về giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định;

- Về cơ sở thực hành trong cơ sở đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT với các nội dung cơ bản là theo đề nghị của Bộ Y tế tại Công văn số 2060/BYT ngày 20 tháng 4 năm 2017; điều kiện về cơ sở thực hành ngoài cơ sở đào tạo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ.

Sau gần 3 năm thực hiện các quy định tại 2 Thông tư trên và Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức, số lượng cơ sở đào tạo mở mới ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Sức khỏe là 18 cơ sở với 24 ngành. Trong số những ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe đăng ký mở thì: Y khoa có 2 cơ sở; Dược trình độ đại học 6 cơ sở; Y học cổ truyền trình độ đại học 1 cơ sở; Điều dưỡng trình độ đại học 3 cơ sở; Điều dưỡng trình độ thạc sỹ 2 cơ sở; Điều dưỡng trình độ tiến sỹ 1 cơ sở; Kỹ thuật xét nghiệm Y học trình độ thạc sỹ 2 cơ sở; Kỹ thuật xét nghiệm trình độ tiến sỹ 1 cơ sở; Kỹ thuật Phục hồi chức năng trình độ thạc sỹ 1 cơ sở; Tổ chức quản lý dược trình độ thạc sỹ 2 cơ sở.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào của các thí sinh theo học những ngành có cấp chứng chỉ hành nghề thuộc khối ngành Sức khỏe, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng xét tuyển đầu vào (điểm sàn) cho các ngành thuộc khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe (theo Quyết định số 2085/QĐ-BGDĐT ngày 20/7/2019). Cụ thể: ngưỡng xét tuyển đối với Y khoa và Răng Hàm Mặt là 21 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 20 điểm; Điều dưỡng, Y học dự phòng, Dinh dưỡng, các ngành Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh và Kỹ thuật Phục hồi chức năng là 18 điểm.

Trong năm 2020, để đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khối ngành Sức khỏe  đáp ứng nhu cầu xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện triển khai Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (VQF) và xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; chỉ đạo các cơ sở đào tạo có đào tạo ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe tăng cường rà soát, hoàn thiện lại chương trình đào tạo đáp ứng theo nhu cầu xã hội, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, mở ngành đào tạo thực hiện theo Điều 33 Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và tiếp tục xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2020 và các năm tiếp theo đối với tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

Bộ Giáo dục và Đào tạo